Không chỉ là xếp hạng quốc tế thấp, hiện đang có sự không bình đẳng trong việc nộp thuế và hoàn thuế giữa DN nộp thuế và cơ quan thuế.
Đứng cuối khu vực về chỉ số Dễ dàng nộp thuế
Báo cáo Doing Business 2016 của World Bank cho thấy, chỉ số Dễ dàng nộp thuế của Việt Nam xếp hạng 168 với 45,41 điểm, thấp xa so với Malaysia (hạng 31), Thái Lan (hạng 70), Philippines (hạng 126), Indonesia (hạng 148), Trung Quốc (hạng 132) và tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Á -Thái Bình Dương là 84 (xem hình 1). Trong khu vực ASEAN, xếp hạng nộp thuế của Việt Nam còn thua cả Lào (hạng 127) và kém xa Campuchia (hạng 90).
Số liệu này gây ngạc nhiên cho nhiều người khi mà trước đó ngành thuế đã công bố giảm tới 420 giờ nộp thuế và "cơ bản đã hoàn thành” mục tiêu về giảm số giờ tuân thủ của DN theo Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, điều này lại không gây ngạc nhiên cho cộng đồng DN khi mà chính họ cũng đã “phản bác” lại số liệu của cơ quan thuế công bố khi mà cho biết mới chỉ giảm được khoảng 120 giờ nộp thuế.
Có DN đã 5 năm nay chưa được hoàn thuế như trường hợp của Công ty Thép Khương Mai (TP. HCM) cho dù số thuế yêu cầu hoàn chỉ là 2,65 tỷ đồng, trong khi mỗi năm công ty này nộp thuế GTGT khoảng 40 tỷ đồng.
Cần lưu ý rằng, trước đó, trong Báo cáo Doing Business 2015, năm 2014 trung bình mỗi DN Việt Nam đi nộp thuế 32 lần, tổng cộng tốn 872 giờ đồng hồ; chi phí thuế cũng chiếm 40,8% trên lợi nhuận. So sánh với một số quốc gia trong khu vực, DN Việt Nam bất lợi hơn trong lĩnh vực nộp thuế cả khía cạnh thời gian đi nộp và tỷ lệ thuế trên lợi nhuận. DN Lào và Campuchia mỗi năm mất lần lượt 173 và 362 giờ để nộp thuế. Tỷ lệ thuế trên lợi nhuận của hai nước này cũng lần lượt là 21% và 25,8%.
Trong Báo cáo Doing Business 2016, số lần nộp thuế là 30 lần (giảm 2 lần) với tổng thời gian dành cho việc này là 770 giờ (giảm được 112 giờ), với tỷ lệ thuế nộp trên lợi nhuận là 39,4% (giảm được 1,4%) so với năm 2015. Nếu tách riêng phần thủ tục liên quan đến lao động (BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và sử dụng lao động), thì số lần nộp thuế là 18, số ngày nộp thuế là 497 ngày và tổng chi phí thuế là 19,1% lợi nhuận của DN.
Về sự khác nhau giữa số liệu công bố của Tổng cục Thuế với WB, cơ quan này cho rằng, báo cáo của WB đã tính toán thời gian mà DN thực hiện thủ tục về thuế trong năm 2014 (từ 1/1/2014 đến 31/12/2014).Thêm vào đó, WB đưa ra phương pháp xác định là nếu văn bản có hiệu lực đối với cộng đồng DN tại thời điểm nào thì sẽ được tính từ thời điểm đó. Do đó, việc giảm thời gian nộp thuế trong năm 2014 chỉ được thực hiện trong 2 tháng, tức là giảm được 40 giờ. Theo Tổng cục Thuế, các kết quả còn lại sẽ được tiếp tục ghi nhận trong các Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 và 2018 của WB.
Tương quan so sánh giữa Việt Nam và các khu vực kinh tế trên thế giới cho thấy một khoảng cách không dễ gì xóa bỏ, đòi hỏi một sự cải cách triệt để và sâu rộng hơn nữa đối với các cơ quan có liên quan trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam khi mà ngưỡng cửa Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang cận kề (dự kiến các nước ký phê chuẩn quý I/2016) và việc đã, đang và sẽ thực hiện các Hiệp định tự do thương mại (FTA) với các nước và vùng lãnh thổ (hiện có hơn 15 FTA loại này).
Nộp thuế- hoàn thuế: cuộc chơi không công bằng
Không chỉ là xếp hạng quốc tế thấp, hiện đang có sự không bình đẳng trong việc nộp thuế và hoàn thuế giữa DN nộp thuế và cơ quan thuế. DN nếu nộp chậm thì bị phạt, nhưng khi yêu cầu hoàn thuế thì được giải quyết rất chậm chạp.
Theo phản ánh của các DN, việc hoàn thuế GTGT lâu nay vốn khó khăn. Hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra kỹ càng và thời gian hoàn thuế kéo dài vì nhiều lý do.
Nhiều DN tại Hà Nội, TP. HCM và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, DN mất rất nhiều thời gian đi lại, nộp các loại giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan thuế để được hoàn thuế, nhưng vẫn chưa hoặc không được hoàn thuế.
Cá biệt có DN đã 5 năm nay chưa được hoàn thuế như trường hợp của Công ty Thép Khương Mai (TP. HCM) cho dù số thuế yêu cầu hoàn chỉ là 2,65 tỷ đồng, trong khi mỗi năm công ty này nộp thuế GTGT khoảng 40 tỷ đồng.
Công ty Tân Nhất Hương (TP. HCM) trong buổi đối thoại với đại diện Bộ Tài chính ngày 5/11/2015 đã chất vấn gay gắt khi cho biết cơ quan thuế đang “nợ” công ty này số tiền hoàn thuế khoảng 21 tỷ đồng. Theo phản ánh của DN này, vì chậm được hoàn thuế, DN gặp nhiều khó khăn về vốn, phải đi vay tiền ngân hàng với lãi suất cao để phục vụ sản xuất - kinh doanh vì trước đó đã tự bỏ tiền để trả cho đối tác.
Nhiều DN đã tận dụng các buổi đối thoại giữa đại diện của cơ quan thuế (đại diện Cục thuế, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) với cộng đồng DN hiện tổ chức hàng tháng/quý để đòi hoàn thuế.
Đánh giá của Bộ Tài chính cũng cho thấy, công tác hoàn thuế là một trong những điểm nóng thời gian qua, nhất là ở TP. HCM nên bộ này đã tăng cường một bộ phận thực hiện việc giám sát và hỗ trợ công tác hoàn thuế tại đây. Bên cạnh đó, việc bàn giải pháp để không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà còn xa hơn là tăng sức cạnh tranh của DN. Bộ Tài chính cho rằng về thuế thu nhập DN, mức thuế đã giảm từ 25% xuống còn 20% như hiện nay là đã tương đối cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, những sắc thuế khác cũng cần bàn cách cải tiến, thay đổi sao cho gia tăng sức cạnh tranh cho DN.
Trong khi đó, từ phía cộng đồng DN, ngoài vấn đề hoàn thuế kể trên, nhiều DN, hiệp hội ngành nghề còn phản ánh hàng loạt những khó khăn, vướng mắc và bất hợp lý khi thực hiện các thủ tục thuế.