Tương tự, đằng sau con số 96.208 DN đã đăng ký nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 91,5% số DN đang hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội và 21,5% số DN đăng ký nộp thuế điện tử trong cả nước (447.597 DN) cũng có nhiều “tâm sự” của DN, mà phần nhiều không tiện nói ra.
Nỗ lực của cơ quan thuế
Để đạt được kết quả trên, ngành thuế đã tích cực triển khai các giải pháp: tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nộp thuế điện tử tới toàn thể cán bộ chủ chốt trong ngành (600 cán bộ chủ chốt là lãnh đạo cục, ban phụ trách 23 phòng thuộc văn phòng cục, ban lãnh đạo 30 chi cục thuế và các đồng chí là đội trưởng, đội phó các đội thuế); xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hóa thành những nhiệm vụ, giải pháp của đơn vị để triển khai thực hiện phù hợp với địa bàn, lĩnh vực được phân công; tham mưu cho lãnh đạo Thành phố có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã vào cuộc, phối hợp cùng cơ quan thuế triển khai kê khai, nộp thuế điện tử tới các cá nhân, tổ chức nộp thuế trên địa bàn; phối hợp với các ngân hàng thương mại tọa đàm với các DN trên địa bàn để đánh giá quá trình triển khai, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và bàn giải pháp tháo gỡ…
Với những nỗ lực của cơ quan thuế cộng với sự vào cuộc tích cực các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng DN, doanh nhân, người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội đã cán đích thành công.
Nhiều DN cho biết, họ hiểu được nỗ lực của cơ quan thuế (cụ thể là đội ngũ cán bộ quản lý thuế theo từng đội quản lý thuế) cũng như những ích lợi của việc nộp thuế điện tử hay kê khai thuế điện tử qua mạng. Bởi lẽ, sẽ không còn cảnh xếp hàng, chen chúc đi nộp báo cáo thuế, nộp tiền thuế (nhất là những ngày gần hết hạn của tháng, quý). Cơ quan thuế không vận động, DN cũng biết cần phải làm gì, vì nếu lỡ quên, lỡ nhầm thì hệ quả sẽ là phạt, thậm chí phạt chồng phạt.
Nỗi sợ của doanh nghiệp
Nhiều DN “tâm sự” rằng, làm kinh doanh, cái họ “sợ” nhất không phải là bạn hàng lừa lọc, đối tác chộp giật hay rủi ro kinh doanh, mà cái họ sợ chính là cơ quan thuế (!?). Bởi lẽ, cơ quan thuế nắm rõ nhất nhịp sống hàng ngày của DN (qua báo cáo thuế tháng, quý, năm), quản lý hóa đơn bán hàng (thuế VAT, thuế XNK)…, nếu như bị cơ quan này cắt mất hóa đơn, thì coi như DN ngừng kinh doanh vì không có hóa đơn thì ai thanh - quyết toán.
Vì thế, không phải không có lý khi có ý kiến nhận định, kiểm tra “sức sống” của DN thì không cơ quan nào bằng cơ quan thuế và số liệu DN còn hoạt động được cơ quan thuế công bố là số liệu chuẩn nhất, chứ không phải bất kỳ một cơ quan thống kê nào.
Tại sao DN lại sợ cơ quan thuế và có cách gì để hết sợ? Câu trả lời xem ra còn bỏ ngỏ, dù có những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của cơ quan thuế theo Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, thậm chí vào ASEAN-6, phấn đấu nằm trong nhóm ASEAN-3. Với DN, cải cách thủ tục hành chính từ cơ quan nhà nước (trong đó có cơ quan thuế) giúp họ giảm các chi phí không chính thức (thực chất là tham nhũng), làm tăng sức mạnh nội tại của họ, tăng sức cạnh tranh và chủ động hội nhập. DN nếu không phải bận tâm “tiếp” các bộ thuế đến làm việc, hạch sách, thậm chí sách nhiễu, vòi vĩnh, thì DN sẽ có nhiều thời gian để lên kế hoạch và triển khai các hoạt động kinh doanh, giúp gia tăng thu nhập, qua đó tăng nộp thuế cho Nhà nước.
Thực tế, đã có một số DN vượt qua được nỗi sợ cơ quan thuế bằng việc khởi kiện cơ quan thuế ra tòa án và thắng kiện trước những khoản truy thu, phạt, phạt chồng phạt đối với họ. Chẳng hạn, Công ty Indochina Legal vừa thắng kiện Cục Thuế TP. HCM khi được tòa án tuyên hủy nội dung Quyết định hành chính số 350/QĐ-CT-TTr1 ngày 30/1/2013 của Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM và Quyết định hành chính số 78/QĐ-CT ngày 23/5/2013 của Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM, buộc Cục Thuế TP. HCM hoàn trả số tiền truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền phạt vi phạm liên quan mà Công ty đã đóng vào ngân sách nhà nước theo các quyết định hành chính, tổng số tiền 460,7 triệu đồng.
Trước đó, ngày 25/9/2015, TAND TP. HCM đã tuyên án vụ CTCP Thương mại Phú Lễ Việt Nam kiện Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM về quyết định truy thu và phạt gần 5,6 tỷ đồng. Tòa đã tuyên hủy quyết định của Cục Thuế.
Với DN, khởi kiện cơ quan thuế là giải pháp cuối cùng khi họ đã nỗ lực khiếu nại mà cơ quan thuế vẫn cho rằng mình đúng. Với việc “đồng tiền liền khúc ruột”, “của đau con xót” trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, không biết hạch toán vào đâu khoản tiền phạt, thì kiện cơ quan thuế ra tòa là tất yếu, dù sau này có thể sẽ bị cơ quan thuế “soi” nhiều hơn.
Tương tự, cách đây vài tháng, nhiều DN bị cơ quan thuế “bêu tên” nợ thuế trên khắp các mặt báo, đã khiếu nại và chính cơ quan thuế phải đăng đàn xin lỗi. Nhưng thiệt hại xảy ra với DN về hình ảnh, uy tín, kinh tế thì chưa thấy cơ quan thuế nói gì, vì họ chỉ nói là “nhầm” về số liệu khi cập nhật (?!).
Liên quan đến việc cơ quan thuế thường xuyên áp dụng quy định xử phạt, thậm chí “phạt chồng phạt”, thậm chí có đề xuất cấm người vi phạm nghĩa vụ nộp thuế được xuất - nhập cảnh, thì theo đánh giá của nhiều DN và các chuyên gia, quy định này trái với Hiến pháp 2013 cũng như các luật có liên quan. Ngoài ra, việc cơ quan thuế áp dụng quy định xử phạt nộp chậm bằng số tiền nộp chậm nhân 0,05 - 0,07%/ngày nhân số ngày nộp chậm (Thông tư 166/2014/TT-BTC) với mức phạt cao hơn nhiều lần (tức 1,5 - 2,1%/tháng) trần quy định của Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất phạt quá hạn (không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố) cho thấy, trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản về xử phạt trong lĩnh vực thuế, người nộp thuế/DN - đối tượng nộp thuế và chịu sự tác động đã không được tham gia góp ý kiến đầy đủ, hoặc nhiều góp ý bị bỏ qua.
Cần lắng nghe người nộp thuế
Với khẩu hiệu “Thuế là nguồn thu chủ yếu của quốc gia. Nộp thuế là nghĩa vụ của công dân và DN” và “Những người nộp thuế là những người yêu nước nhất”, DN và người nộp thuế mong rằng, cơ quan thuế sẽ đối xử với người nộp thuế theo đúng tinh thần dành cho những người yêu nước, chứ không phải là những “tội phạm”.
Chính vì thế, quy định về xử phạt nộp chậm nên sửa lại theo hướng bãi bỏ với những trường hợp nộp chậm tờ khai (tất cả các loại tờ khai) nếu DN đã nộp tờ khai sau đó, bỏ quy định nộp chậm tiền phạt nộp tờ khai muộn… nhằm giúp DN giảm chi phí, đồng thời động viên, khuyến khích DN đầu tư công nghệ (mua token, lắp đặt mạng Internet) nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính thuế hiệu quả và thiết thực.
Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 vừa qua, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội đã làm một việc chưa từng có tiền lệ, đó là gửi thư điện tử chúc mừng tất cả các DN trên địa bàn.
Với nhiều DN trên địa bàn Thành phố, đây là một tín hiệu đáng mừng khi mà cơ quan thuế nhìn ra vai trò đóng góp của họ cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thư chúc mừng chỉ là động viên tinh thần, cái mà DN cần cơ quan thuế làm đó là đối xử với người nộp thuế như cách đối xử với những người yêu nước nhất, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà, hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh… để DN/người nộp thuế yên tâm hoạt động kinh doanh.
Cơ quan thuế cần tích cực lắng nghe ý kiến của người nộp thuế và thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cũng như thực hiện tốt khẩu hiệu đang treo tại chính trụ sở cơ quan thuế.