Đó là kết quả khảo sát thực tế về thủ tục hành chính và quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa trong khuôn khổ Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Hải quan triển khai từ tháng 8 - 12/2014 vừa được công bố.
Kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp xuất nhiều khó khăn bởi số lượng nhiều và mức độ phức tạp của chứng từ làm thủ tục XNK hàng hóa cũng như thời gian làm các thủ tục này. Cụ thể, số hồ sơ, chứng từ thực tế doanh nghiệp phải nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục cho hàng hoá XNK nhiều hơn quy định. Trong đó, hồ sơ mỗi lô hàng XNK nhiều hơn quy định ít nhất là 3 chứng từ, cụ thể đối với hàng xuất khẩu là giấy giới thiệu, hóa đơn, hoá đơn VAT; đối với hàng nhập khẩu là giấy giới thiệu, giấy chuyển tiền nộp thuế, lệnh giao hàng D/O. Chưa hết, hồ sơ doanh nghiệp phải nộp, xuất trình cho cơ quan nhà nước khác để thực hiện các thủ tục hành chính cũng rất nhiều, chưa tận dụng được những chứng từ doanh nghiệp đã nộp và xuất trình cho các cơ quan quản lý nhà nước trước đó.
Cũng theo kết quả khảo sát, trừ tờ khai hải quan, các chứng từ và hồ sơ doanh nghiệp phải nộp, xuất trình, còn lại đều là chứng từ giấy, nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp, tức là theo quy trình thủ tục thủ công. Trong đó nổi lên tình trạng phổ biến là các đơn vị hải quan và các cơ quan cấp các loại giấy chứng nhận, giấy phép đều yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bản sao, bản chụp có chữ ký, con dấu của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia nhóm khảo sát, yêu cầu này tạo ra một khối lượng công việc sự vụ lớn, làm mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Về thời gian làm thủ tục XNK hàng hóa, điều đáng chú ý ở kết quả khảo sát là hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn phải mất nhiều thời gian hoàn thành thủ tục quản lý chuyên ngành, đặc biệt là liên quan đến kiểm dịch và kiểm tra tiêu chuẩn hàng hóa. Cụ thể, theo kết quả khảo sát, chi phí thời gian nhiều nhất cho một lô hàng nhập khẩu nằm ở 3 khâu: xin giấy phép; chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy; kiểm tra chuyên ngành bao gồm kiểm dịch, kiểm tra chất lượng…; phân tích hàng hoá. Tổng số thời gian doanh nghiệp làm thủ tục cho một lô hàng chỉ phải thực hiện 1 trong số các thủ tục trên cụ thể là đối với lô hàng xuất khẩu tối thiểu là 4 ngày, tối đa là 9 ngày; đối với lô hàng nhập khẩu, tối thiểu là 10 ngày, tối đa là 19 ngày. Trường hợp lô hàng nhập khẩu phải thực hiện nhiều hơn 1 thủ tục hoặc chỉ phải thực hiện 1 thủ tục nhưng thủ tục phức tạp thì thời gian có thể tới 30 ngày hoặc hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc dự án GIG, thực trạng trên đã cho thấy chi phí thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính để xuất khẩu, nhập khẩu được một lô hàng chủ yếu là thời gian thực hiện các thủ tục quản lý chuyên ngành, liên quan tới các lĩnh vực thương mại, chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quản lý hoá chất. Nguyên nhân là do danh mục hàng hoá phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành quá rộng, không rõ ràng; sự trùng lặp về thẩm quyền kiểm tra, về hình thức quản lý, về số lần kiểm tra; tình trạng quản lý thủ công; chưa kết nối, chia sẻ thông tin, kế thừa thủ tục giữa các cơ quan quản lý.
Như vậy, theo kết luận báo cáo khảo sát đưa ra thì so với mục tiêu thời gian xuất khẩu còn 14 ngày, thời gian làm thủ tục nhập khẩu còn 13 ngày mà Nghị quyết 19 đặt ra về việc giảm bớt thời gian và thủ tục thực hiện bằng mức trung bình ASEAN đối với loại hàng hoá nhập khẩu phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành hiện đang chiếm 34% tổng số lô hàng nhập khẩu thì hầu như chưa đạt.
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay có khoảng 34% hàng hóa của ta vẫn phải kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng và kiểm dịch hàng hóa, trong đó thời gian, thủ tục thông quan đối với các hàng hóa này vẫn còn nhiều tồn tại.
“Bộ Tài chính đang cùng các bộ xây dựng đề án, dự kiến tháng 3 này sẽ trình Chính phủ. Nội dung đề án tập trung cải thiện tại 5 điểm quan trọng bao gồm TP. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, theo đó tập trung xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện công tác kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, để trong năm nay giảm ngay được tối thiểu 50% thời gian kiểm tra tiêu chuẩn hàng hóa”, ông Tuấn cho biết.