Cải cách thể chế là nhiệm vụ mang tính sống còn

(ĐTCK) Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán nhân dịp đầu Xuân Bính Thân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, cải cách thể chế nhằm tiến tới minh bạch hóa nền kinh tế và trao quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp còn nhiều khó khăn phía trước, cần phải được tiến hành quyết liệt. Bởi đây là cuộc cách mạng mang tính sống còn của đất nước trước bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Thưa Bộ trưởng, một trong những mục tiêu lớn nhất của tiến trình đổi mới tư duy và cải cách thể chế là nhằm tạo môi trường thuận lợi và trao quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp. Mục tiêu này đã được hiện thực hóa như thế nào trong thời gian qua?

Năm 2015, Quốc hội, Chính phủ đã làm rất nhiều việc hỗ trợ doanh nghiệp, như cải cách hành chính, thuận lợi hóa thủ tục hải quan, ban hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) cùng nhiều cơ chế chính sách thuận lợi hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh… Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đã trở thành mục tiêu xuyên suốt của quá trình cải cách thể chế.

Đặc biệt, tư tưởng vì doanh nghiệp và trao quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp đã được thể hiện rõ nhất ở 2 luật quan trọng vừa được ban hành năm qua là Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi, với tư tưởng nhất quán là tạo điều kiện thông thoáng để mọi người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư kinh doanh. Khi thành lập doanh nghiệp, chi phí tiếp cận thị trường nhỏ nhất, tiếp cận hệ thống pháp luật rõ ràng và minh bạch nhất.

Theo tinh thần này, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh tất cả ngành nghề luật pháp không cấm và quyền này được được luật pháp quy định, bảo vệ. Đây không những là tư duy “trao quyền”, mà còn là “cởi trói” cho doanh nghiệp, là tư tưởng táo bạo của Nhà nước ta, thể hiện khát vọng đổi mới, mong muốn đem lại những gì tốt nhất cho doanh nghiệp. 

Để có thể hiện thực hóa được tư tưởng này, thì việc minh bạch hóa hệ thống luật pháp, thể chế, hay nói tổng thể là phát triển một nền kinh tế minh bạch là điều không thể thiếu. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, tinh thần minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh và tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn lực là tư tưởng chủ đạo mang tính đột phá trong 2 luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa ban hành.

Nhìn rộng ra hệ thống thể chế và luật pháp được xây dựng thời gian qua hầu như cũng đều có sự cải thiện tích cực. Về tư tưởng chung, các luật rất minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho  hoạt động sản xuất - kinh doanh và hạn chế đến mức thấp nhất các tệ nạn nhũng nhiễu, tham nhũng của cơ chế xin - cho.

Luật Đấu thầu sửa đổi cũng được đánh giá cao, quy định chặt chẽ đấu thầu trọn gói không thay đổi giá thầu trừ trường hợp đặc biệt, không chịu ảnh hưởng của CPI tăng giảm giá cả, giúp minh bạch. Căn cứ theo tinh thần đấu thầu minh bạch, việc Bộ Y tế đấu thầu thuốc đã giúp làm giảm 30% giá thuốc, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, hay là các công trình đầu tư xây dựng, mua sắm công với tinh thần minh bạch của luật sẽ đảm bảo về chất lượng và tránh được các tiêu cực.

Rồi từ Chỉ thị 1792 đến Luật Đầu tư công ra đời đều nhất quán chủ trương minh bạch, rõ ràng. Nghị định về công khai thông tin doanh nghiệp nhà nước cũng đã được ban hành, theo đó tất cả doanh nghiệp nhà nước phải công khai mọi thông tin sản xuất - kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận, kể cả lỗ, nợ nần…

Điều đó cho thấy, hàng loạt khung pháp lý đã được xây dựng, tạo nền tảng cho việc phát triển nền kinh tế minh bạch và chủ trương này đều được Quốc hội, Chính phủ và người dân hết sức ủng hộ. Nếu điều này tiếp tục được phát huy, chắc chắn, hệ thống luật pháp Việt Nam ngày càng hoàn thiện, không còn chỗ cho những tệ nạn nhũng nhiễu tiêu cực gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. 

Năm 2015 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Việt Nam trong hội nhập với nền kinh tế thế giới, thông qua việc ký kết một loạt hiệp định song phương và kết thúc đàm phán “Hiệp định thế kỷ” TPP. Theo Bộ trưởng, để chuẩn bị cho bước ngoặt trọng đại này, năm 2016, cần tập trung làm những gì?

Việt Nam đang hội nhập một cách hết sức tích cực. Năm 2015 đã để lại dấu ấn với hàng loạt hiệp định lớn đã hoàn tất đàm phán và ký kết. Tuy nhiên, cùng với cơ hội thì thách thức cũng rất lớn, đặc biệt với việc tham gia thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ cuối năm 2015, chúng ta đang đối mặt với ba thách thức lớn là: tự do luân chuyển hàng hóa, đầu tư, lao động có kỹ thuật cao.

Để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập sâu rộng và thực chất, từ năm nay, chúng ta cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết. Từ cấp Chính phủ cho tới từng doanh nghiệp, người dân, để hiểu được cơ hội cũng như thách thức mà các FTA mang lại, mỗi bộ, ngành phải chỉ rõ ngành mình, lĩnh vực mình có cơ hội cũng như thách thức thế nào trong từng hiệp định để đánh giá được khả năng cạnh tranh của đối thủ và tác động tới nền kinh tế và DN Việt Nam.

Từ đó, cùng với các hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp bàn thảo xây dựng các cơ chế, chính sách để tận dụng khai thác cơ hội, vượt qua thách thức, đồng thời tránh được các tác động ngược chiều không mong muốn.         

Tin bài liên quan