Cuộc khảo sát nhanh tiến hành với khoảng 300 doanh nghiệp về những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình điều hành kinh doanh hiện nay tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2019, được Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TP.HCM mới đây cho kết quả, hơn 54% doanh nghiệp trả lời thủ tục hành chính vẫn là những trở ngại lớn nhất.
Trong khi đó, với câu hỏi việc thực thi cải cách hành chính trong năm 2018 so với trước đó thay đổi thế nào, 57% doanh nghiệp tham gia hội thảo chia sẻ không có gì thay đổi, 37% doanh nghiệp cho rằng có thay đổi nhanh hơn, số còn lại bỏ phiếu cho phương án cải cách vẫn còn rất chậm.
Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy, có 52% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, điều quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế chính là xây dựng thể chế phù hợp, 26% doanh nghiệp cho rằng cần tăng cường kỷ luật thực thi; số còn lại trả lời cần nâng cao năng lực doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù thể chế và nền hành chính vẫn còn nhiều trở ngại cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng đáng mừng là 68% số doanh nghiệp được khảo sát vẫn tự tin với kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm tới. Trong đó, 27% doanh nghiệp được hỏi quyết định giữ nguyên quy mô phát triển, chỉ 5% doanh nghiệp cho biết sẽ thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh.
“Những con số này đã phác thảo khá đầy đủ về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2019. Triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn sáng sủa, Việt Nam vẫn đang là địa điểm có sức thu hút đầu tư hàng đầu thế giới, dù điểm nghẽn về cải cách thể chế vẫn còn. Muốn bứt phá kinh tế thì bứt phá về cải cách thể chế là điều bắt buộc”, ông Lộc nhấn mạnh.
Nhìn nhận về cơ hội và những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới, ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, chúng ta đang có thuận lợi là môi trường chính trị ổn định, đà tăng trưởng kinh tế năm 2018 là một động lực tốt cho năm 2019, nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức về quản trị từ nhà nước tới doanh nghiệp.
“Độ mở của nền kinh tế tương đối lớn, trong khi quy mô và trình độ phát triển nền kinh tế còn thấp, vì vậy, những biến động của nền kinh tế thế giới sẽ tác động đến nền kinh tế của chúng ta. Ngoài ra, nền kinh tế về cơ bản vẫn đang trong thời kỳ chuyển đổi nên một số chuẩn mực và thông lệ theo chuẩn mực quốc tế vẫn cần phải hoàn thiện (như kế toán, kiểm toán, đánh giá các định chế tài chính)”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nói về câu chuyện cần tiệm cận các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận xét, việc minh bạch thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam đang còn một khoảng cách khá lớn so với những chuẩn mực mà doanh nghiệp thế giới đang tuân thủ.
Chẳng hạn, chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành từ hơn 10 năm qua trên cơ sở hệ thống chuẩn mực quốc tế, nhưng từ đó tới nay chúng ta không tiếp tục cập nhật, trong khi bộ chuẩn mực kế toán quốc tế liên tục thay đổi. Về quản trị doanh nghiệp, chỉ so sánh với các nước trong khu vực ASEAN, chúng ta cũng đang ở mức thấp.
“Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Đây là những cơ hội rất lớn để trở nên phát triển hơn. Tuy nhiên, nhìn từ những vướng mắc trước đây, việc tận dụng các cơ hội không phải là điều đơn giản và các cơ hội đã biến thành thách thức. Với dư địa cho tăng trưởng sẵn có không còn và nội lực chưa được phát huy, thách thức phía trước với Việt Nam trên con đường hội nhập là rất lớn”, Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thế Du cảnh báo.
Ông Huỳnh Thế Du cũng khuyến nghị, để tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, Chính phủ tiếp tục tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.