Tăng trưởng kinh tế 3 quý tới phụ thuộc hoàn toàn vào cải cách

Tăng trưởng kinh tế 3 quý tới phụ thuộc hoàn toàn vào cải cách

Cải cách sẽ quyết định chất và lượng tăng trưởng các quý tới

(ĐTCK) Kinh tế quý I/2018 tăng trưởng 7,38% - mức tăng ấn tượng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Để đạt kế hoạch tăng trưởng cả năm là 6,7-6,8%, động lực và chất lượng tăng trưởng trong các quý còn lại là vấn đề rất đáng quan tâm.

Hai nguyên nhân chính giúp tăng trưởng quý I/2018 đạt mức cao được ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) lý giải là do thặng dư thương mại từ hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến-chế tạo, đặc biệt là phần đóng góp từ sự gia tăng sản xuất và xuất khẩu của một số doanh nghiệp (DN) FDI lớn như Samsung, Fomosa.

Tuy nhiên, theo ông Dương, dù tăng trưởng cao vượt kỳ vọng, song bức tranh tăng trưởng quý I vẫn phản ánh rõ một vấn đề tồn tại lâu nay là chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa được cải thiện. Tăng trưởng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vẫn chịu tác động của những biến động kinh tế thế giới. Điều đáng quan tâm là tăng trưởng tiềm năng cũng đang có dấu hiệu đi xuống, trong khi chưa có động lực tăng trưởng mới xuất hiện làm cơ sở cho sự đột phá trong thời gian tới.

“Câu chuyện tăng trưởng dường như đang phụ thuộc nhiều hơn vào cán cân xuất nhập khẩu, vào quyết định sản xuất, tồn kho và xuất nhập khẩu của một số DN FDI lớn. Vậy nếu các DN này giảm sản xuất, giảm xuất nhập khẩu trong thời gian tới, thì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung và rộng hơn là toàn nền kinh tế có bị ảnh hưởng?”, ông Dương đặt câu hỏi.

Đẩy mạnh tăng trưởng, cần tính tới sự thay đổi hiệu suất của nền kinh tế

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng trong các quý tới rất cần tính tới sự thay đổi hiệu suất của nền kinh tế. Theo đó, cần chuyển hướng thay đổi mô thức và chất lượng tăng trưởng dựa vào tăng trưởng hiệu quả và gia tăng năng suất lao động.

“Bối cảnh hiện nay khá tương đồng với giai đoạn 2001-2006, khi yếu tố cải cách trong nước rất mạnh mẽ, giúp tạo động lực thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, đà cải cách đang lên, niềm tin đối với cải cách được cải thiện tích cực thông qua các động thái quyết liệt của Chính phủ trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện thủ tục hành chính và tăng năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh, cùng những chính sách cải cách dài hạn thông qua tái cơ cấu khu vực nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh.

Đây chính là động lực bền vững, chủ đạo để tạo nền tảng cho tăng trưởng mạnh cả về chất và lượng trong các quý tiếp theo”, ông Cung nhấn mạnh.

CIEM khuyến nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hoạt động, tái cơ cấu khu vực DN nhà nước, khuyến khích DN áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng lao động.

Cùng quan điểm này, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, cần coi cải cách là động lực lớn nhất để dồn lực cho kinh tế tư nhân cất cánh, từ đó giúp DN tư nhân trong nước phát triển cả về quy mô và chất lượng.

“Tăng trưởng kinh tế 3 quý tới và cả năm sau phụ thuộc hoàn toàn vào cải cách của Nhà nước nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển, để DN nhỏ và vừa lớn lên, có nhiều hơn nữa những tập đoàn tư nhân lớn mạnh dẫn dắt bởi các tỷ phú tư nhân, bởi đây mới là động lực tăng trưởng lớn nhất cho kinh tế Việt Nam, chứ không phải các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài”, ông Mại khẳng định.

Ông Mại cũng cho rằng, cần có những chính sách thay đổi căn bản trong thu hút FDI có định hướng, có mục tiêu rõ ràng, để tăng sức lan tỏa của FDI đến khu vực kinh tế trong nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cả về chất và lượng.   

Theo CIEM, tuy kinh tế quý I/2018 tăng trưởng cao, nhưng cũng xuất nhiều vấn đề như xu hướng giảm của đóng góp tiêu dùng vào tăng trưởng chung, thể hiện rõ ở mức chi ngân sách tăng chậm trong quý I, cũng như tốc độ tăng chậm của tín dụng tiêu dùng. Điều này cho thấy, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tín dụng tiêu dùng và xuất hiện xu hướng cơ cấu tín dụng tiêu dùng chuyển sang hỗ trợ đầu tư sản xuất nhiều hơn, với mức gia tăng tín dụng trung và dài hạn khoảng 4,3%.

Mặt khác, dù vẫn còn dư địa điều hành tài khóa, song cách thức điều hành vẫn bó chặt với mục tiêu giảm hụt thu ngân sách, dẫn tới những giải pháp điều hành chưa thực sự mang tính thị trường và chưa chủ động hướng tới củng cố dư địa ứng phó với các cú sốc bất lợi. Thể hiện rõ nhất là việc đẩy nhanh kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ và đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, đề xuất điều chỉnh các chính sách thuế.

Trong bối cảnh tín dụng trung và dài hạn cho DN vừa có dấu hiệu chớm tăng trong quý đầu năm, thì kế hoạch phát hành 200.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ sẽ là một kênh chèn lấn, dẫn tới giảm nguồn tín dụng vào đầu tư sản xuất kinh doanh của DN trong thời gian tới. Đây là những yếu tố có khả năng ảnh hướng tới sản xuất, kinh doanh trong những quý tới cần được tính toán một cách cẩn trọng để tránh làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.

Tin bài liên quan