Trước hết, đó là cơ chế giao dịch trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về, điều vốn được chờ đợi nhất tại Thông tư 203/2015, đã phải lùi sang thời điểm năm 2017 mới được triển khai.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một CTCK cho biết, ngay khi có những quy định mới trong Thông tư 203, giới đầu tư cũng như các CTCK đã kỳ vọng rất nhiều về cơ chế giao dịch T+0 và bán chứng khoán chờ về được triển khai, với mong muốn sẽ tạo bước đột phá về thanh khoản cho thị trường. Bản thân các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đặt nhiều kỳ vọng vào triển khai cơ chế giao dịch T+0 và bán chứng khoán chờ về.
Cũng theo vị tổng giám đốc trên, việc để ngỏ quy định này đã khiến thị trường hụt hẫng khi lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, việc triển khai phải lùi sang năm 2017 và có thể còn lâu hơn.
“Cơ quan quản lý cần có một lộ trình cụ thể, không nên đưa ra chính sách rồi lại thông tin theo kiểu ‘để cho mòn mỏi’ như trên. Nếu việc triển khai giao dịch T+0 cứ chậm trễ kéo dài, thì lâu dần sẽ dẫn đến mất niềm tin về chính sách”, vị tổng giám đốc này nói.
Trước đó, cũng liên quan đến việc lùi thời gian áp dụng cơ chế giao dịch T+0, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCK) cho biết, mỗi khi muốn triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới, vấn đề nhà quản lý lo lắng là việc các CTCK chậm trễ trong đáp ứng đồng bộ các yêu cầu về quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.
Nói cách khác, một khi các yếu tố mang tính chất quyết định này chưa được đáp ứng, thì không thể mạo hiểm, vội vàng triển khai các sản phẩm mới, bởi nếu làm vội sẽ đe dọa an toàn hệ thống trên thị trường. Chính vì vậy, trong lộ trình triển khai, cơ quan quản lý dự kiến sẽ cho phép bán chứng khoán chờ về, trước khi triển khai nghiệp vụ T+0.
Cũng theo đại diện UBCK, việc áp dụng nghiệp vụ T+0 là khá phức tạp. Tại nhiều nước, ngay cả những nước có TTCK phát triển, công nghệ hiện đại cũng không khuyến khích, trong khi tại TTCK Việt Nam, hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ nên chứa đựng nhiều rủi ro.
Rõ ràng, nghiệp vụ T+0 chưa thể triển khai ngay sau thời điểm Thông tư 203/2015 có hiệu lực, vì cả Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và các CTCK đều cần phải có thời gian để xây dựng hệ thống, song nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về vẫn chưa được áp dụng ngay là điều đáng tiếc.
Bởi thực tế, việc triển khai nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về đơn giản hơn về mặt chuẩn bị hệ thống hạ tầng công nghệ, cũng như khâu kết nối với các CTCK so với nghiệp vụ T+0. Tuy nhiên, như chia sẻ của lãnh đạo UBCK, để cho phép bán chứng khoán chờ về, đòi hỏi cần phải có thời gian để VSD triển khai hệ thống hạ tầng, nên phải sang năm 2017 mới có thể đưa vào áp dụng 2 nghiệp vụ mới này.
Hiện tại, VSD cho biết, liên quan đến nghiệp vụ T+0 và bán chứng khoán chờ về, VSD đang chuẩn bị hệ thống hạ tầng công nghệ, cũng như quy trình nghiệp vụ. Đồng thời, căn cứ vào điều kiện cụ thể của TTCK Việt Nam, VSD sẽ đề xuất phương án xây dựng hệ thống hạ tầng tối ưu. Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị các công việc liên quan, VSD sẽ báo cáo Bộ Tài chính, UBCK cho phép triển khai.
Ngoài giao dịch T+0 và bán chứng khoán chờ về, điểm mới mà thị trường rất lưu tâm, đó là quy định nhà đầu tư nước ngoài không được phép thực hiện giao dịch ký quỹ. Nhiều CTCK đã thông báo sẽ ngừng mở mới tài khoản giao dịch ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài kể từ ngày 1/7/2016.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã có tài khoản giao dịch ký quỹ thì sẽ bị khóa chiều mua, chỉ mở chiều bán chứng khoán ký quỹ để họ thực hiện bán chứng khoán trả nợ cho CTCK. Đồng thời, CTCK cũng thông báo ngừng giải ngân mới cho các giao dịch trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù quy định trên được nhận định là không tác động nhiều đến TTCK, nhưng với các CTCK sẽ ít nhiều bị giảm nguồn thu từ hoạt động cho vay ký quỹ đối với đối tượng này. Theo số liệu từ VSD, hiện nay, có tổng cộng hơn 19.000 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, trong đó có gần 3.000 nhà đầu tư tổ chức và hơn 16.000 nhà đầu tư cá nhân.
Cũng liên quan đến hoạt động margin, quy định trong Thông tư 203 về việc CTCK được phép cho khách hàng vay giao dịch ký quỹ phải không thuộc diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt. Các công ty này cũng không được lỗ luỹ kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ, có tỷ lệ vốn khả dụng phải đạt theo quy định pháp luật chứng khoán về an toàn tài chính, tỷ lệ tổng nợ trên vốn khả dụng không quá 3 lần; không bị sáp nhập, giải thể, ngừng hoạt động…
Trong khi nhà đầu tư chờ đợi những sản phẩm mới và sự thông thoáng hơn trong giao dịch thì những quy định chặt chẽ tại Thông tư 203 dường như lại hướng đến mục tiêu tạo ra một cuộc sàng lọc lớn với các CTCK trong thời gian tới, theo đó, những CTCK làm ăn yếu kém sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi.