Cải cách pháp lý mạnh mẽ, thực chất để tăng lực hút đầu tư

Chính quyền các địa phương cần lưu tâm cải cách pháp lý mạnh mẽ, thực chất và sâu sắc hơn nữa để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Michael Greene cho rằng, đây cũng là dư địa để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh trong “sân chơi” hội nhập.
Cải cách pháp lý mạnh mẽ, thực chất để tăng lực hút đầu tư

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xem là bản đánh giá khá rõ nét của khu vực kinh tế tư nhân về môi trường kinh doanh của Việt Nam, vốn đã có nhiều chuyển biến tích cực thời gian qua. Vậy PCI tác động tới môi trường kinh doanh của Việt Nam ra sao, thưa ông?

PCI là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất của USAID tại Việt Nam. Tôi đánh giá cao sự phối hợp triển khai hiệu quả giữa USAID và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Quả thực, VCCI đã tận dụng rất tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền các địa phương và doanh nghiệp để tạo ra những thay đổi tích cực, có lợi của môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Đến nay, hơn 140.000 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia các cuộc khảo sát PCI hàng năm. Chính quyền các địa phương thường căn cứ kết quả PCI hàng năm để điều chỉnh công tác điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương mình, từ đó góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy vai trò và tiếng nói của khu vực tư nhân.

Các báo cáo PCI hàng năm đã trở thành “công cụ” phản ánh tiếng nói chung của doanh nghiệp ở quy mô lớn, nhỏ khác nhau tới chính quyền các cấp, thậm chí đề cập cả những vấn đề nhạy cảm mà doanh nghiệp gặp phải như chi phí không chính thức và sự không minh bạch.

Đã có hơn 10 quốc gia áp dụng sáng kiến Báo cáo PCI. Ông nói gì về điều này?

VCCI và USAID đã hợp tác xây dựng và công bố Báo cáo PCI thường niên đầu tiên vào năm 2005. Năm 2006, một sáng kiến tương tự đã được áp dụng tại quốc gia láng giềng Campuchia và những năm sau đó, một số quốc gia khác đã triển khai xây dựng mô hình báo cáo này sau khi được hỗ trợ bởi các tổ chức quốc tế như UNDP, AUSAID và Ngân hàng Thế giới.

Ngoài Việt Nam, USAID đã hỗ trợ triển khai 5 dự án thực hiện Báo cáo PCI tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, gồm: Indonesia (năm 2007), El Salvador (năm 2009), Kosovo (năm 2011), Philippines (năm 2013) và gần đây nhất là Myanmar (năm 2018).

Đến nay, đã có 16 quốc gia triển khai mô hình tương tự như Báo cáo PCI để đo lường năng lực quản trị kinh tế dựa trên đánh giá của doanh nghiệp. Việc áp dụng mô hình báo cáo PCI của Việt Nam rõ ràng đã có tính lan tỏa bởi nó cho thấy những tác động và thay đổi đáng kể.

Theo quan sát của ông, chính quyền các địa phương cần làm gì để đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào “sân chơi” toàn cầu?

Nỗ lực cải cách mạnh mẽ của chính quyền các cấp ở Việt Nam xứng đáng được ghi nhận. Kết quả của nỗ lực đó những năm qua là rất rõ và hữu hình.

Trong thời gian tới, chính quyền các tỉnh/thành phố của Việt Nam cần tập trung thúc đẩy cải cách pháp lý mạnh mẽ, thực chất và sâu sắc hơn nữa để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, kích thích tăng trưởng đầu tư trong nước và thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.

Để cạnh tranh hiệu quả trên “sân chơi” toàn cầu, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách cả ở 4 góc độ từ hành pháp, lập pháp, tư pháp đến các vấn đề lao động. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và người dân vào quá trình hoạch định chính sách để đảm bảo các cải cách là tích cực và bền vững.

Tin bài liên quan