Luật mới cho phép DN được tự quyết con dấu, nhưng công ty khắc dấu vẫn e ngại với đơn đặt hàng mẫu dấu mới

Luật mới cho phép DN được tự quyết con dấu, nhưng công ty khắc dấu vẫn e ngại với đơn đặt hàng mẫu dấu mới

Cải cách kinh doanh, cản trở từ thói quen cũ

(ĐTCK) Ghi nhận trong những ngày đầu Luật DN 2014 có hiệu lực, vẫn còn một bộ phận DN e ngại về khả năng thực thi của Luật. Theo phản ánh của nhiều DN, một số công ty khắc dấu tỏ ý dè dặt với mẫu dấu mới theo yêu cầu của DN vì “chưa có thông tư hướng dẫn, đặc biệt hướng dẫn của ngành công an”.

Luật Doanh nghiệp, Đầu tư được áp dụng thẳng

Từ 1/7, Luật DN 2014 được đưa vào thực thi mà không cần chờ đợi các nghị định hướng dẫn; đồng thời, mọi người dân nói chung và DN nói riêng đều được quyền kinh doanh mọi lĩnh vực mà Luật Đầu tư 2014 không cấm theo đúng tinh thần cởi mở của Luật. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. 

Theo ông Cung, với các quy định rất cụ thể và chi tiết của Luật, phần lớn các điều khoản của Luật DN có thể đưa vào thực thi, mà không cần phải chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện như thông lệ lâu nay. Bởi tinh thần và nguyên tắc nhất quán của Luật DN 2014 ngay từ khi soạn thảo là nhằm đảm bảo Luật được thực thi một cách thuận lợi và minh bạch nhất.

“Đơn cử như việc đăng ký thành lập DN, từ ngày 1/7, hồ sơ đăng ký được thực hiện theo quy định tại Điều 20, 21, 22, 23 Luật DN mới. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập DN thực hiện theo quy định tại Điều 27, Luật DN 2014. Hay với con dấu của DN, theo quy định tại Khoản 2, Điều 44, Luật DN 2014, trước khi sử dụng, DN gửi thông báo về mẫu con dấu của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện đến Phòng Đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Như vậy, có thể thấy, các điều khoản quy định của Luật DN hết sức cụ thể và chi tiết để có thể thực hiện ngay, nên không có lý gì các cơ quan quản lý nhà nước lại viện lý do hướng dẫn nọ nghị định kia để làm chậm trễ hoạt động kinh doanh của DN”, ông Cung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cung, để đảm bảo Luật được thực thi trôi chảy, kịp thời ngay từ thời điểm có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn gửi các sở kế hoạch và đầu tư, các cơ quan đăng ký kinh doanh về hồ sơ, thủ tục, để thực hiện thống nhất trên toàn ngành và đề nghị các cơ quan này công bố công khai tại các phòng đăng ký kinh doanh. 

DN vẫn e ngại

Ghi nhận từ thực tế những ngày đầu Luật DN 2014 có hiệu lực, vẫn còn một bộ phận DN e ngại về khả năng thực thi của Luật. Nhiều DN phản ánh lên cơ quan thực thi luật cho biết, một số công ty khắc dấu tỏ ý dè dặt với mẫu khắc dấu mới theo yêu cầu của DN vì “chưa có thông tư hướng dẫn, đặc biệt hướng dẫn của ngành công an”.

Trước thực tế này, ông Cung một lần nữa khẳng định: “Cả DN và các cơ quan quản lý nhà nước buộc phải thực hiện theo Luật, không thể viện cớ này nọ để nói khác tinh thần của Luật, làm ảnh hưởng việc thực thi và chậm trễ hoạt động kinh doanh của DN. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không tuân thủ theo quy định của Luật, DN có quyền khiếu kiện. Còn đối với trường hợp công ty khắc dấu nào không nhận khắc mẫu dấu mới với bất cứ lý do thiếu tính thuyết phục nào thì chắc chắn sẽ có DN khác nhận làm ngay. Không thể vì thói quen cũ mà cản trở hiệu lực của Luật DN 2014”.

Liên quan đến các điều kiện kinh doanh và quyền kinh doanh của các DN theo Luật Đầu tư 2014, ông Cung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện tập hợp, rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh. Kết quả rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh cho thấy, tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 thì 3.299 điều kiện này đương nhiên bị bãi bỏ và chấm dứt hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.

“Như vậy có nghĩa là từ sau 1/7/2015, tất cả các quy định về điều kiện kinh doanh được các bộ ban hành dưới hình thức thông tư, quyết định và UBND các cấp không còn hiệu lực thi hành. Còn từ 1/7/2016, tức là sau 1 năm từ thời điểm luật mới có hiệu lực, tất cả quy định về điều kiện kinh doanh ban hành trước ngày 1/7/2015, dưới dạng thông tư, quyết định của các bộ, UBND các cấp đương nhiên bị bãi bỏ, chấm dứt hiệu lực thi hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập hợp và công bố để người dân biết và thuận lợi khi thực hiện”, ông Cung cho biết.

Tuy vậy, người đứng đầu CIEM cũng thừa nhận thực tế là vẫn còn một số bộ ngành đang có chủ trương chuẩn bị tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn theo kiểu quy định về điều kiện kinh doanh.

“Tất cả chúng ta phải tạo ra áp lực để các bộ ngành và địa phương phải thực hiện theo tinh thần cải cách của Luật Đầu tư. Ở đây, rất cần vai trò của giới chuyên gia, báo chí, hiệp hội và chính các DN, người dân trong việc phát hiện các điều kiện kinh doanh được ban hành không đúng thẩm quyền và phản ánh lên cơ quan chức năng”, ông Cung nói.      

Tin bài liên quan