Cải cách hệ thống thuế, tìm nguồn bù đắp ODA

(ĐTCK) Hệ thống thuế Việt Nam cần được thay đổi toàn diện để Nhà nước có đủ nguồn lực cung cấp dịch vụ công cho mọi người dân, đặc biệt đến các nhóm nghèo nhất và không có nhiều cơ hội tham gia vào tiến trình phát triển.
Bà Hoàng Phương Thảo

Bà Hoàng Phương Thảo

Trao đổi với ĐTCK, bà Hoàng Phương Thảo, trưởng đại diện tổ chức Action Aid quốc tế tại Việt Nam (AAV), thành viên đoàn các tổ chức phi chính phủ quốc tế cho biết, thông qua Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2015, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm tiến tới hoàn thiện một nền kinh tế thị trường đầy đủ tại Việt Nam, cũng như việc cải cách hệ thống thuế nhằm bù đắp nguồn vốn ODA.

Bà đánh giá như thế nào về thể chế kinh tế thị trường đã được Việt Nam tạo lập thời gian qua?

Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực ấn tượng trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong những năm qua. Tuy nhiên, đánh giá của nhiều nhà tài trợ, cũng như ngay từ phía Chính phủ tại diễn đàn VDPF đều cho thấy còn cần thực hiện nhiều nỗ lực hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do với các hiệp định được ký kết tại nhiều lĩnh vực, trong khi nguồn nhân lực tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách nhất định để sẵn sàng tiếp nhận thông tin và tiếp cận cơ hội phát triển. 

Từ câu chuyện thực tế về vai trò giám sát của xã hội đối với việc sử dụng nguồn vốn ngân sách và đầu tư công, bà đánh giá thế nào về cơ chế thị trường mà Việt Nam đang hướng tới?

Theo tôi, Nhà nước cần có cơ chế cởi mở, hiệu quả hơn nhằm giúp người dân và các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ tham gia giám sát, đánh giá việc sử dụng nguồn lực công.

"Trước hết cần chỉnh đốn, thay đổi các thể chế thị trường cho kịp với tốc độ phát triển thị trường và ngăn chặn việc các tập đoàn chiếm đoạt hoặc lạm dụng quyền của người dân và đất nước".

Đây là điều không thể chậm trễ được nữa. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển đặc thù của Việt Nam, cần có những bước đi phù hợp để không tạo ra hiệu ứng tiêu cực. 

Tại Diễn đàn lần này, thông điệp chính mà Action Aid Việt Nam đưa ra là gì thưa bà?

Là thành viên trong Đoàn các tổ chức phi chính phủ quốc tế, chúng tôi có 3 thông điệp chính gửi tới Diễn đàn.

Thứ nhất Nhà nước cần có chính sách định hướng và hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, giúp các DN cải tiến tư duy kinh doanh, lề lối làm việc và phong cách phục vụ, nâng cao sức cạnh tranh.

Thứ hai, hệ thống thuế Việt Nam cần được thay đổi toàn diện để Nhà nước có đủ nguồn lực cung cấp dịch vụ công cho mọi người dân, đặc biệt đến các nhóm nghèo nhất và không có nhiều cơ hội tham gia vào tiến trình phát triển.

Thứ ba là tiếp cận thông tin cần được xem là một công cụ quan trọng nhất của Chính phủ, thị trường và các tổ chức dân sự xã hội trong việc xác định và đối phó với các lỗi của hệ thống và thị trường. Điều này sẽ khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa quyền của người tiêu dùng, qua đó việc lạm dụng quyền lực của thị trường sẽ được người dân và Chính phủ kiểm soát phù hợp với lợi ích của các bên. 

Liên quan đến các đề xuất về đẩy mạnh cải cách thể chế, AAV có khuyến nghị chính sách gì thưa bà?

Có 4 chính sách mà chúng tôi muốn khuyến nghị Chính phủ. Trước hết cần chỉnh đốn, thay đổi các thể chế thị trường cho kịp với tốc độ phát triển thị trường và ngăn chặn việc các tập đoàn chiếm đoạt hoặc lạm dụng quyền của người dân và đất nước.

Để xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao và tạo điều kiện phát triển xã hội bền vững hơn, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường việc giảm thiểu tham nhũng và lạm dụng các nguồn lực chung.

Bên cạnh đó, cần sử dụng Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi để cải tiến và thực hiện các chính sách, mạnh dạn giới thiệu và thử nghiệm những cải cách đột phá về minh bạch thông tin trong quản lý tài chính công. Đồng thời, tăng cường minh bạch trong định giá, sử dụng và chuyển giao các nguồn tài nguyên của đất nước.

Bên cạnh cải cách thể chế kinh tế, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ trong nước và các tổ chức xã hội trong khắc phục các lỗi của thị trường. 

Một câu chuyện hết sức thời sự là cần tính tới các giải pháp tìm kiếm và bù đắp, thay thế nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển sẽ bị giảm mạnh trong năm 2017 tới đây, khi Việt Nam bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. Bà đánh giá vấn đề này thế nào?

Tại VDPF lần này vẫn có các nhà tài trợ từ Liên minh châu Âu và một số khác cam kết tài trợ cho Việt Nam trong một số dự án phát triển. Tuy nhiên, đúng là nguồn tài trợ này không còn dồi dào như trước đây và Việt nam chắc chắn phải dựa chủ yếu vào nội lực của mình trong tìm kiếm nguồn vốn cho dự án đầu tư phát triển.

Theo tôi, có thể có một số giải pháp để bù đắp như cần cải cách hệ thống thuế hay thay đổi nguồn thu thuế, ví dụ như thuế tài nguyên, thuế bất động sản là các nguồn thuế hiện nay ta chưa thu nhiều hoặc chưa dùng hết.

Thứ hai, các DN hoàn toàn có thể tham gia vào dự án phát triển bằng nguồn lực của mình như dự án đầu tư hoặc như trách nhiệm xã hội của DN.

Thứ ba, bản thân các tổ chức quốc tế và người dân là những nguồn lực rất quan trọng để nhà nước khuyến khích tham gia nhiều hơn vào phát triển. 

Bà có thể cho biết những dự án nào tiếp tục thu hút được nguồn vốn ưu đãi này?

Theo cam kết tại VDPF 2015, một số lĩnh vực tiếp tục nhận được tài trợ như nền kinh tế sáng tạo, vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và giáo dục, y tế...

Một lĩnh vực trọng tâm mà tất cả nhà tài trợ đều quan tâm nhắc tới đó là quản trị và cải cách thể chế, nếu chúng ta có những chương trình, dự án chính sách phù hợp thì ODA trong lĩnh vực này vẫn được duy trì.

Tin bài liên quan