Anh Nguyễn Sỹ Chí, một chuyên gia về công nghệ và thiết bị gia dụng, cho biết về nguyên tắc, các thiết bị có nguồn bên trong như điện thoại, radio, máy tính cần tháo pin ngay lập tức.
Các thiết bị phức tạp như tủ lạnh, TV, máy giặt... cần đưa lên cao, tháo ra rồi làm khô tùy theo thời gian ngâm nước ít hay nhiều.
Với nước sạch, mọi người cần cho vào tủ sấy, phơi phóng còn nếu nước bẩn cần rửa sạch trước bởi nếu còn bùn dư, dù có khô sau một thời gian chúng sẽ hút ẩm và làm hỏng thiết bị. Điều cuối cùng cần làm sau khi sấy là mang tới thợ để kiểm tra và sửa chữa.
"Với những người ở vùng sâu vùng xa, thiết bị gia dụng là một tài sản lớn trong nhà. Vì vậy, cần kiểm tra và sấy khô càng nhanh càng tốt, tránh để lâu bởi các mạch điện tử gặp nước rất dễ hỏng và khó sửa.
Các thiết bị có cấu tạo phức tạp không phải ai cũng mở được đúng cách, chứ chưa nói tới việc làm khô rồi sửa chữa. Không như điện thoại có thể dùng máy sấy tóc, các thiết bị lớn cần buồng sấy hoặc công cụ đặc biệt", anh Chí cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, mọi người nên để ý tới cả máy bơm hay máy công cụ bởi chúng cũng có các bộ phận điện tử, mô-tơ không chịu được nước.
Trừ máy bơm dạng thả chìm ra tất cả các thiết bị có mô-tơ khi gặp nước cần được tháo ra để ráo nước, đưa thợ kiểm tra. Một số thiết bị cần thay dầu mỡ, vòng bi tránh gỉ sét...
Với các thiết bị cao cấp, một số nhà sản xuất đã sơn chống nước và sử dụng các loại giắc kháng nước để kết nối. Người dùng có điều kiện có thể tìm hiểu, tuy nhiên hầu hết nên chú ý trước tới việc bảo quản và bao gói trong điều kiện thời tiết mưa bão khắc nghiệt.
Khi phòng bị ngập, điều đầu tiên cần làm là tránh cho các thiết bị gia dụng tiếp xúc với nước.
Sau đó, chờ cho đến khi nước rút mới ngắt kết nối chúng với nguồn điện. Không bao giờ được làm điều này khi vẫn đang đứng trong nước. Sau đó, người dùng nên nhờ một kỹ thuật viên hoặc người có trình độ kiểm tra.
Các đường ống khí đốt (gas) cũng có nhiều nguy cơ bị hỏng hoặc rò rỉ trong mưa bão, do đó người dân cần chú ý quan sát nếu thấy vị trí các thiết bị đã bị thay đổi hoặc không khí có mùi lạ cần rời khỏi nhà ngay và báo cho cảnh sát hoặc cứu hỏa.
Nếu vẫn còn nước ở trong nhà và điện vẫn được cung cấp, hãy liên hệ với công ty điện lực để ngắt điện.
Mức độ thiệt hại do nước mưa hoặc bão lũ gây ra cho đồ điện gia dụng phụ thuộc vào phần bị chìm và thời gian chúng bị ngâm trong nước.
Trên thực tế, dù thiết bị sưởi ấm hay làm mát đã khô, nhiều khả năng các linh kiện bên trong đã bị hư hỏng hoặc phải được thay thế để đảm bảo an toàn.
Điều tiếp theo cần chú ý là không được bật các thiết bị làm mát hoặc sưởi ấm. Bởi trong thời gian ngập nước, các thiết bị này có thể bị nhiễm nấm mốc, bụi bẩn từ môi trường xung quanh.
Các chuyên gia có kinh nghiệm khuyên người dùng nên lau rửa và vệ sinh trước khi cho máy hoạt động. Điều này cũng giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc sau này.
Khi điều hòa đã sạch sẽ, người dùng có thể dùng nó để loại bỏ không khí ẩm trong phòng mà không cần lo lắng.
Về tủ lạnh hoặc tủ đá, các thiết bị này có thể vẫn hoạt động tốt khi bị ngập nước một phần nhờ thiết kế chống nước. Nếu tiếp tục sử dụng, các bộ phận nằm ở đấy tủ như máy nén, bình ngưng... có thể khô dần đi.
Tuy nhiên, nguy cơ nấm mốc vẫn có thể rình rập. Một số thiết bị có bộ phận làm đá nối với đường nước cần thay đổi bộ lọc để đảm bảo vệ sinh. Người dùng nên vứt bỏ đá cũ và đổ bỏ toàn bộ phần nước thừa.
Sau đó rửa sạch và vệ sinh tổng thể, làm khô trước khi cho thiết bị hoạt động trở lại.
Chris Granger, phó chủ tịch của Sears Home Services, dịch vụ sửa chữa thiết bị gia đình từng nói rằng: "Một trong những điều tồi tệ nhất mà các chủ nhà hay làm là cố gắng làm khô các thiết bị gia dụng của họ. Thói quen này khiến cho gần 7 triệu thiết bị phải sửa chữa mỗi năm".
Việc cố gắng làm khô rồi vận hành lại các thiết bị điện tử sau khi dính nước có thể gây ra hiện tượng đoản mạch, hoặc tệ hơn là gây sốc điện với chính người sử dụng.
Không ít trường hợp người dùng bị thương hoặc đe dọa tới tính mạng do các bộ phận điện tử bên trong thiết bị vẫn còn chứa nhiều độ ẩm.