Cách xác định CPI là chính xác, nhưng cần giải thích rõ hơn

0:00 / 0:00
0:00
Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào leo thang; giá nhiều loại hàng hóa tiêu dùng cũng tăng mạnh, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm lại thấp nhất kể từ 2016 (tăng 1,47%).

Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), TS. Lê Quốc Phương cho rằng, cần phải giải thích rõ hơn về CPI để người dân tin rằng, con số 1,47% là chính xác.

Đã có người đặt câu hỏi về tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm nay chỉ có 1,47% trong khi trên thị trường “cái gì cũng tăng giá”. Theo ông, nghi ngờ này có đúng không?

Ở khía cạnh nào đó, người tiêu dùng nghi ngờ cũng không sai. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng 10 lần; giá gạo, xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… đến giá dịch vụ giáo dục đều tăng. Vì vậy, khi nghe tin mặt bằng giá cả trong 6 tháng vừa qua chỉ tăng có 1,47% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (thời điểm Việt Nam bắt đầu tính toán và công bố CPI bình quân), người tiêu dùng có nghi ngờ cũng là phản ứng bình thường, vì họ không hiểu cách tính CPI.

Vậy thực tế, cách xác định CPI hiện nay như thế nào?

TS. Lê Quốc Phương, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương).

TS. Lê Quốc Phương, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương).

Trước năm 2016, Tổng cục Thống kê công bố CPI của từng tháng so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước và so với tháng 12 năm trước và lấy CPI so với cùng kỳ năm trước làm chỉ số đo chính thức mặt bằng giá cả thị trường. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ cũng lấy CPI so với cùng kỳ năm trước làm thước đo chính thức.

Kể từ năm 2016, bên cạnh công bố CPI hằng tháng, Tổng cục Thống kê còn công bố CPI bình quân và CPI bình quân được lấy làm thước đo chính thức, thay thế cho CPI hằng tháng so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự thay đổi cần thiết, phù hợp với cách tính toán và công bố CPI của thế giới, còn CPI hằng tháng chỉ dùng để tham khảo.

Chính vì vậy mới có chuyện CPI bình quân thấp, nhưng trên thực tế, giá cả lại tăng hơn so với tháng 12 năm trước, cùng kỳ năm trước. Đơn cử, CPI bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,47%, trong khi CPI tháng 6/2021 tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020.

Kể cả lấy CPI tháng 6 tăng 2,14% so với cùng kỳ là con số chính thức, thì người tiêu dùng cũng không khỏi thắc mắc, vì trên thực tế, rất nhiều mặt hàng tăng giá nhiều lần?

Đúng là giá xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng những mặt hàng này tác động vô cùng ít vào CPI, vì chi tiêu của người dân cho nhóm hàng này rất ít và hầu như không tác động tới túi tiền của tuyệt đại đa số người dân.

Mặt hàng xăng dầu cũng tương tự. Dù từ đầu năm đến nay, cứ sau 15 ngày, giá xăng dầu lại được điều chỉnh tăng, nhưng mặt hàng này tác động trực tiếp đến người tiêu dùng không đáng kể, vì tổng số tiền mà mỗi người dân chi để mua xăng dầu chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi tiêu hàng tháng.

Giá gạo bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 7% so với cùng kỳ, nhưng trong cơ cấu chi tiêu của người dân, tiền bỏ ra mua gạo không nhiều, nên cơ cấu mặt hàng lương thực trong quyền số tính CPI không cao, chỉ chiếm 4,46%.

Trong khi đó, nhờ thu nhập của người dân được cải thiện liên tục, nên chi tiêu dành cho thực phẩm, rau quả, điện, điện thoại, Internet, tham quan, du lịch… ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ khá cao trong quyền số tính CPI, trong đó riêng mặt hàng thực phẩm là 22,6%.

Trong 6 tháng đầu năm, những loại hàng hóa, dịch vụ này không những không tăng, thậm chí còn giảm. Vì vậy, CPI tháng 6 năm nay so với cùng kỳ, so với tháng 12/2020, cũng như CPI bình quân 6 tháng đầu năm như con số được Tổng cục Thống kê công bố là chính xác. Tuy nhiên, theo tôi, cũng nên xem lại cách xác định quyền số tính CPI cho khoa học hơn, chính xác hơn.

Chính xác hơn là thế nào, thưa ông?

Trên thị trường có hàng chục ngàn loại hàng hóa, dịch vụ, nhưng hiện tại, Tổng cục Thống kê chỉ lấy 752 loại hàng hoá và dịch vụ đại diện tiêu dùng phổ biến của người dân và phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình đưa vào “rổ hàng hóa” tính CPI. Cứ mỗi 5 năm, Tổng cục Thống kê lại thay đổi rổ hàng hóa, nhiều mặt hàng được đưa ra và cũng có thêm nhiều loại hàng hóa được đưa vào. Ngay trong những mặt hàng được giữ lại cũng thay đổi lại quyền số cho phù hợp với cơ cấu chi tiêu của người dân.

Tuy nhiên, do cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi nhanh hơn, nên cố định rổ hàng hóa và quyền số tính CPI trong 5 năm là không phù hợp. Thậm chí, trong một năm, cơ cấu chi tiêu của mỗi gia đình cũng có sự thay đổi rất mạnh trong mỗi tháng. Chẳng hạn, vào mùa hè, chi tiêu cho tiền điện, du lịch, nghỉ mát, ăn uống ngoài gia đình nhiều hơn; hay vào đầu năm học, chi tiêu cho giáo dục nhiều hơn, nhưng quyền số tính CPI vẫn cố định, khiến việc tính CPI không chính xác như thực tế chi tiêu của người dân.

Vì vậy, theo tôi, vẫn tính và công bố cả CPI hằng tháng và CPI bình quân, nhưng nên rút ngắn thời gian xác định rổ hàng hóa và quyền số tính CPI với từng mặt hàng theo từng tháng.

Thế còn giá cổ phiếu, bất động sản tăng giảm chóng mặt thì sao, có ước lượng được tác động tới CPI?

Rổ hàng hóa để tính CPI chỉ lấy những loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và phổ biến của người dân. Cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng, USD, chứng chỉ quỹ… không phải là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mà là hoạt động đầu tư, nên không tính vào CPI… Tuy nhiên, những mặt hàng này tăng hay giảm giá mạnh cũng tác động đến CPI, cần phải quản lý thật chặt chẽ.

Đơn cử, giá chứng khoán đã tăng liên tục từ đầu năm 2020 đến nay. Nếu không kiểm soát được, thì nhà đầu tư sẽ bán tống, bán tháo cổ phiếu khi thị trường đổi chiều. Khi đó, sẽ có một lượng rất lớn tiền được rút khỏi thị trường chứng khoán và được sử dụng cho mua sắm, tiêu dùng, hay đầu tư vào ngoại tệ, vàng, USD…, tác động tiêu cực tới việc kiểm soát CPI bình quân dưới 4% trong năm nay.

Tin bài liên quan