Để xử lý nợ, Ocean Group đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ.
Theo Ocean Group, hiện tại, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của Công ty là 2.158 tỷ đồng, dự phòng các khoản phải thu dài hạn khó đòi là 525 tỷ đồng. Tổng 2 khoản này là 2.683 tỷ đồng.
Giải thích việc này, lãnh đạo Ocean Bank cho biết, các khoản phải thu của Công ty là các khoản hỗ trợ vốn cho đối tác, phần lớn là nợ tồn đọng mang tính lịch sử của Công ty, xảy ra từ thời điểm bắt đầu diễn ra biến cố liên quan đến vụ án ông Hà Văn Thắm hồi tháng 10/2014. Việc liên tục phải trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi là nguyên nhân chính dẫn đến các khoản thua lỗ khủng của Ocean Group trong một số năm sau biến cố.
Để xử lý nợ, Ocean Group đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ, như đã thực hiện thu hồi cấn trừ nợ 8,7 triệu cổ phiếu OCH. Một số khoản khác đang được Ocean Group đàm phán với các đối tác để cơ cấu các khoản nợ phải thu và phải trả tương ứng. Một số khoản nợ đã khởi kiện đối tác để thu hồi nợ...
Trong bối cảnh nợ của Ocean Group như hiện nay, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vừa tổ chức tháng 7/2020, ông Lò Hồng Hiệp, Tổng giám đốc Ocean Group đã đề xuất cách ứng xử với 3 nhóm nợ.
Trong đó, phương án thứ nhất là xóa nợ đối với một số khoản nợ cá nhân đang chấp hành các hình phạt tù, đã bị khởi tố liên quan đến các khoản nợ. Trong nhóm này còn có các khoản nợ mà bản chất là chi phí Công ty xây dựng các công trình phúc lợi và các khoản nợ mà đối tác đã lâm vào tình trạng phá sản, giải thể.
Với nhóm thứ hai, Công ty xóa các khoản nợ phải thu đối với các tổ chức đã lập dự phòng 100% và đã quá hạn 3 năm tính từ thời điểm đã trích lập dự phòng 100%, đối tác không có tài sản và khả năng trả nợ.
Với nhóm thứ ba, Công ty sẽ thực hiện bán theo từng khoản nợ hoặc nhóm các khoản nợ với giá trị thu hồi không thấp hơn 10% giá trị gốc của khoản nợ.
Việc liên tục phải trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi là nguyên nhân chính dẫn đến các khoản thua lỗ khủng của Ocean Group trong một số năm sau biến cố.
Một trong những vấn đề cổ đông đặt ra là các vấn đề pháp lý cho việc xóa nợ, cũng như quyền lợi của cổ đông sẽ như thế nào?
Giải thích về việc xóa nợ với các cá nhân đang chấp hành án tù, đại diện Ocean Group cho biết, các trường hợp như ông Hà Văn Thắm, ông Hoàng Văn Tuyến… đang chấp hành án do các sai phạm liên quan đến vi phạm chế độ kế toán tại Ocean Bank trong các giao dịch giữa Ocean Group và Ocean Bank. Theo vụ án này, Ocean Group cũng phải chịu liên đới trách nhiệm tài chính theo kết luận của cơ quan điều tra. Các nội dung này đã được Công ty công bố thông tin.
Ông Lò Hồng Hiệp cho biết, các quy định pháp lý cho việc xóa nợ cũng đã được thể hiện trong Thông tư 48/2019/TT-BTC ngày 8/8/2019 của Bộ Tài chính. Theo đó, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi sau khi đã có quyết định xử lý, Công ty vẫn theo dõi trong hệ thống quản trị của Công ty và trình bày trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu 10 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và tiếp tục có các biện pháp thu hồi nợ. Trường hợp Công ty thu hồi được khoản nợ nào đó đã được xử lý như trên, số tiền thu hồi được (sau khi trừ các chi phí liên quan) sẽ được ghi nhận là thu nhập bất thường.
Theo Chuẩn mực kế toán số 14, một trong những khoản có thể ghi nhận là “thu nhập khác” là tiền thu được từ các khoản nợ phải thu đã xóa sổ tính vào chi phí của kỳ trước. Theo đó, với những tính chất pháp lý hiện hành, các khoản nợ đã xóa cũng không có nghĩa là hết hẳn hy vọng, mà chỉ là cách ghi nhận số liệu tài chính. Trong đó, những khoản đã trích lập dự phòng thực tế đã được ghi nhận vào lỗ của các năm trước, nên việc xóa nợ các khoản này cũng không làm tăng lỗ trong kỳ hiện tại. Ngược lại, nếu đến một ngày, Công ty “bất ngờ” thu được các khoản nợ này, thì có thể hiểu nôm na như một khoản lãi “từ trên trời rơi xuống”.