Plaza Hotel, viên kim cương quý trên vương miện của đế chế bất động sản Donald Trump cũng đã được bán cho Hoàng tử Ả Rập Xê út và nhà đầu tư Singapore

Plaza Hotel, viên kim cương quý trên vương miện của đế chế bất động sản Donald Trump cũng đã được bán cho Hoàng tử Ả Rập Xê út và nhà đầu tư Singapore

Cách nào khiến Donald Trump thua lỗ tới 916 triệu USD?

(ĐTCK) Mới đây, tờ New York Times bất ngờ công bố tài liệu dài 3 trang nằm trong hồ sơ khai thuế của tỷ phú bất động sản Donald Trump tại 3 bang New York, New Jersey và Connecticut. 

Theo đó, ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa này đã kê khai các khoản thua lỗ tới 916 triệu USD trong hoạt động kinh doanh năm 1995, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD hiện nay.

Con số thua lỗ 916 triệu USD năm 1995, một thông tin chưa từng được công bố, đã hé lộ những lợi ích lớn về thuế mà ông Trump nhận được, bởi điều này cho phép ông không cần phải đóng bất kỳ khoản thuế thu nhập cá nhân nào trong 18 năm sau đó. Nguyên nhân chính của con số khổng lồ này được xem là xuất phát từ sự quản lý yếu kém 3 casino tại TP. Atlantic, kinh doanh kém hiệu quả lĩnh vực hàng không và thương vụ “mua đắt bán rẻ” Plaza Hotel tại Manhattan.

Sau khi tài liệu này được công bố, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về vấn đề thuế đối với Donald Trump. Liệu thực sự ông Trump có thể mất nhiều tiền tới vậy chỉ trong 1 năm? Điều này dường như khó có thể xảy ra, bởi trong số tất cả các tỷ phú công bố thua lỗ trong năm 1995, mức thua lỗ trung bình chỉ là 614.000 USD/người.

Bối cảnh những năm 1990

Đa phần người Mỹ, cũng như các thành viên thị trường tài chính toàn cầu nhớ tới những năm 1990 như thời kỳ huy hoàng, khi các công ty không ngừng tăng trưởng, mức tiền lương tăng lên và giá cổ phiếu nhảy vọt. Năm 1997, tờ Fortune đã đăng câu chuyện tài chính với tít lớn: “Nền kinh tế Mỹ đang mạnh hơn bao giờ hết”.

Tuy nhiên, những năm đầu của thập kỷ này đã không bắt đầu suôn sẻ tới vậy, đặc biệt là 2 năm 1990, 1991. Thực tế, với Donald Trump, đầu những năm 1990 là một thảm họa. Năm 1990, tờ Newsweek miêu tả về tình hình tài chính của ông Trump như sau: “hình ảnh bị bôi xấu bởi scandal hôn nhân, ngập đầu trong các khoản nợ và phải liên tục thỏa thuận với các nhà băng để giãn nợ”. Vào thời điểm đó, ông Trump được coi là có số nợ trị giá 3,2 tỷ USD.

Năm 1991, casino Taj Mahal của ông Trump nộp đơn xin phá sản và năm 1992, 2 casino khác là Trump Plaza Casino and Hotel, Trump Marina Hotel Casino cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Tuy nhiên, tới năm 1993, số tài sản của ông Trump tăng trưởng trở lại bởi các chủ nợ tin tưởng vào danh tiếng của vị tý phú giàu lên nhờ bất động sản này. Bởi vậy, họ bắt đầu cho ông Trump vay nhiều tiền hơn để giải quyết những khó khăn khi đó.

 Các casino của ông Trump tại Atlantic đều hoạt động kém hiệu quả

Nguyên nhân thua lỗ

Theo các chuyên gia thuế và tài chính được tờ New York Times thuê để phân tích tài liệu thuế năm 1995 của ông Trump, mặc dù con số thuế thu nhập cá nhân mà vị tỷ phú này đóng hàng năm không được công bố, nhưng khoản thua lỗ 916 triệu USD năm 1995 đủ sức giúp ông Trump không phải đóng thuế trong 18 năm, với số tiền khoảng 50 triệu USD mỗi năm.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc thua lỗ nặng năm 1995 xuất phát từ thương vụ bán Plaza Hotel, một bất động sản tại New York cho các nhà đầu tư Ả Rập và châu Á. Ông Trump đã mua lại khách sạn này năm 1988 với giá 400 triệu USD. Sau đó bán nó đi năm 1995 với giá 325 triệu USD.

Theo đó, Plaza Hotel, từ lâu đã được coi là biểu tượng sang trọng, vương giả của New York, đồng thời là viên kim cương quý trên vương miện của đế chế bất động sản Donald Trump, cũng bị ông bán cho Hoàng tử Ả Rập Xê út và một trong những doanh nhân hàng đầu Singapore.

Theo người mua, thương vụ này trị giá 325 triệu USD, tuy nhiên, số tiền này sẽ không được chuyển vào tài khoản của ông Trump. Thay vào đó, số tiền này được trả cho nhà băng tại Mỹ đã cho ông Trump vay tiền mua lại khách sạn năm 1988 và một nhà băng tại Nhật Bản, nơi nhận khách sạn này là tài sản thế chấp.

Ông Trump mua lại khách sạn này trong cơn sốt bất động sản những năm 1980, bằng số tiền đi vay từ các ngân hàng. Trong vài năm sau đó, số nợ đặt lên vai khách sạn này còn lớn hơn khi ông Trump sử dụng Plaza Hotel là tài sản thế chấp để vay mượn tiền nhằm mua lại Eastern Airlines, cũng như chi trả chi phí xây dựng casino tại TP. Atlantic.

Cho tới năm 1992, sức nặng từ cuộc suy thoái kinh tế sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987 đã giáng đòn mạnh vào TP. New York, đồng thời khiến giá bất động sản lao dốc, tác động tiêu cực tới khối tài sản của ông Trump. Vào thời điểm đó, ông Trump đã phải tiến hành thương lượng với một số chủ nợ về khoản nợ trị giá tới 560 triệu USD.

Sau khi Citibank chấp nhận giãn và xóa một số khoản lãi vay phải trả, ông Trump giữ lại được 51% cổ phần của khách sạn trên giấy tờ, nhưng thực tế không hề nắm giữ quyền sở hữu khách sạn, bởi Plaza Hotel thực chất thuộc về các chủ nợ. Các nhà băng này đã tìm kiếm người mua trong 3 năm trước khi thương vụ được hoàn thành năm 1995.

Tuy được xem là nguyên nhân chính dẫn tới khoản thua lỗ 916 triệu USD của tỷ phú Trump, các chuyên gia tài chính cho rằng, vẫn có nhiều khúc mắc với thương vụ bán lại Plaza Hotel. Bởi nếu theo những gì ông Trump kê khai, ông đã thua lỗ gần 1 tỷ USD vì mua, cầm cố và bán một khách sạn mà ông không tự bỏ tiền đầu tư và cũng không hề sở hữu nó?

Nguyên nhân thứ hai dẫn tới con số thua lỗ lớn của ông Trump năm 1995 là việc bán các casino hoạt động kém hiệu quả tại Atlantic. Trong khi đó, không ít chuyên gia tài chính đã chỉ ra rằng, mặc dù các casino tại Atlantic đã phá sản, vị tỷ phú này đã kiếm lời hàng trăm triệu USD tại đây.

Tại Atlantic, Trump Plaza Casino and Hotel, Trump Marina Hotel Casino đều đã đóng cửa. Chỉ còn lại Trump Taj Mahal, hiện tại hoạt động dưới sự quản lý của chủ sở hữu mới, là hình ảnh nhắc nhở tới đế chế casino của Donald Trump trong hơn 1/4 thế kỷ.

Trước đó, ông Trump vẫn thường khoe khoang về sự thành công của mình tại Atlantic, về cách ông đã “đánh lừa” các hãng tài chính phố Wall đầu tư vào các casino và từ đó tạo dựng nên sự giàu có của chính mình.

“Thành phố Atlantic là động lực tạo nên sự phát triển của tôi. Số tiền tôi kiếm được từ đây vô cùng đáng kinh ngạc”, ông Trump phát biểu trong một buổi phóng vấn tháng 5/2016.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của giới chức Mỹ, cùng như những thông tin được công bố trong tài liệu đăng ký niêm yết, các casino của ông Trump hoạt động không hề hiệu quả với các khoản thua lỗ kéo dài trong 5 năm. Đầu những năm 1990, sau khi trì hoãn trả các khoản nợ của mình, ông Trump đã tránh được rủi ro phá sản bằng việc niêm yết các casino của mình và chuyển rủi ro sang các cổ đông.

Trong khoảng gần 1 thập kỷ tồn tại, các sòng bạc của tỷ phú bất động sản này không đủ sức hấp dẫn để lôi kéo các tay chơi, chưa kể việc phải vay tiền kinh doanh với mức lãi suất cao, sự lụn bại của các casino này là khó tránh khỏi. Theo New York Times, trong quãng thời gian này, các cổ đông của đế chế casino Trump đã chịu thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD.

Mặc dù vậy, New York Times phát hiện ra rằng, sau khi bán cổ phần ra công chúng, Doald Trump không còn chịu trách nhiệm với các khoản nợ của Công ty, đồng thời sử dụng một phần của số tiền thu về từ niêm yết để trả gần 36 triệu USD các khoản nợ cá nhân. Chưa kể, ông Trump nhận được 1 triệu USD tiền lương và 3 triệu USD tiền vay từ công ty mới sau niêm yết (các công ty này đã tuyên bố phá sản năm 2004 và năm 2009).

Như vậy, việc ông Trump kê khai con số thua lỗ lên tới 916 triệu USD khiến không ít người nghi ngờ, liệu đây có phải chỉ là một chiêu bài để tránh nộp thuế? Để đáp trả lại những chỉ trích, nghi vấn, các thành viên trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump không phủ nhận hay thừa nhận vấn đề, chỉ cho rằng: “Ông Trump là người biết rõ về hệ thống thuế hơn bất kỳ ai từng tham gia tranh cử Tổng thống và ông là người duy nhất biết cách để sửa chữa hệ thống này”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan