Cách nào để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình khi đã đạt mức trung bình thấp?

(ĐTCK) Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, do đó thách thức phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình là mục tiêu đặt ra cấp thiết.

Đây là khuyến nghị được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo “Vai trò của chính sách công nghiệp trong vượt qua bẫy thu nhập trung bình” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa tổ chức ngày  23/5 vừa qua.

Th.s Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương ước tính, để thoát khỏi bẫy trung bình thấp và bước vào nhóm trung bình cao, Việt Nam tối thiểu phải mất gần 10 năm nữa và tiến lên được mức thu nhập 4.000 USD/đầu người.

“Với dân số khoảng 100 triệu dân và GDP ở mức 250 tỷ USD, tương đương mức thu nhập bình quân 2.500 USD/người, nếu muốn đạt mức thu nhập trung bình cao 4.000 USD/người, tương đương với GDP phải tăng lên là 400 tỷ USD. Như vậy, chúng ta cần tăng thêm bình quân 1.500 USD/người nữa để thoát mức thu nhập trung bình thấp. Nếu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6%/năm liên tục, thì phải tới giai đoạn 2029 - 2030, chúng ta mới đạt mức thu nhập khoảng 4.000 USD/người, ngưỡng để chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp ", ông Giang phân tích.

Cách nào để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình khi đã đạt mức trung bình thấp? ảnh 1 

Cũng theo tính toán của ông Giang,  muốn đạt được mức trên, thì lực lượng lao động và kỹ năng lao động là yếu tố quyết định, phải nâng cao năng suất lao động của người lao động và của chính doanh nghiệp. Khi tạo ra được sản phẩm trí tuệ, thì người lao động ứng dụng sản phẩm đó thì mới tạo ra sản phẩm giá trị cao.  

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng CIEM, thu nhập trung bình là bẫy khá phổ biến mà nhiều quốc gia sau khi đạt được mức thu nhập trung bình đã không thể vượt qua, khiến nền kinh tế chỉ quanh quẩn ở quy mô thu nhập trung bình mà không thể tiến xa để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Trong khu vực, Malaysia và Indoneesia là ví dụ điển hình của những quốc gia hiện đang rơi vào tình trạng vướng vào bẫy thu nhập trung bình, trong khi Hàn Quốc nổi lên là một bài học sáng giá thoát khỏi bẫy này và trở thành nước công nghiệp hóa, đạt tiêu chuẩn của một quốc gia đạt mức thu nhập cao.

Bài học thành công của Hàn Quốc là nhờ các chính sách kịp thời của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích các ngành công nghiệp chủ lực như chế tạo máy, điện tử, cơ khí, sản xuất động cơ, thiết bị công nghiệp theo chuẩn chất lượng của các nước công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Nhật, Anh, Ý, Đức...

Việt Nam cũng đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, do đó đang phải đối diện với thách thức phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt mức thu nhập khoảng 10.000 USD/người vào năm 2035 và để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ phù hợp của Chính phủ.

Trong đó, chính sách công nghiệp được coi là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển công nghiệp phục vụ tăng trưởng kinh tế ngành, kết hợp cải thiện, nâng cấp chất lượng phát triển của cả nền kinh tế.

Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, bà Tuệ Anh cho rằng, thu nhập bình quân đầu người phải có xu hướng bắt kịp các nước thu nhập cao, trong đó tăng năng suất là yếu tố quyết định, được thúc đẩy bởi nâng cấp công nghệ, sáng tạo và thể chế.

Đồng thời, phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ kèm theo tăng năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người.

“Trong cơ cấu các ngành, cần nâng cấp các ngành chủ lực như ngành chế biến, chế tạo để sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, mức độ phức tạp cao hơn kèm theo tăng năng suất lao động.

Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành, chế biến chế tạo từ hàng hoá tiêu dùng như thực phẩm, may mặc, thuốc lá, gỗ…sang hàng hoá vốn như hoá chất, kim loại, máy móc thiết bị, xe có động cơ. Đồng thời, phải có chiến lược vượt bẫy thu nhập trung bình, phù hợp với yêu cầu cầu tiềm năng, hoàn cảnh của của quốc gia, trong đó chính sách công nghiệp có vai trò rất quan trọng để công nghiệp hoá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, bà Tuệ Anh đề xuất.

Xét về phát triển cơ cấu ngành, ông Ngô Minh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu thuộc CIEM cho rằng, mục tiêu phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 cần tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế.

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước, hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ theo cụm, liên kết chuỗi ngành hàng.

Tin bài liên quan