Hệ thống này sẽ đưa ra các vấn đề có liên quan tới thông tin báo cáo tại các quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Sử dụng mô hình crowdsourcing (hình thức giao công việc cho một cộng đồng hoặc một nhóm người, thông qua một “lời kêu gọi” để tất cả có thể cùng đóng góp thực hiện công việc đó), Sàn giao dịch báo cáo sẽ xác định quy tắc, luật lệ, chính sách, thực tiễn, sáng kiến, tiêu chuẩn báo cáo và hướng dẫn thực hiện theo đúng nhu cầu mà doanh nghiệp cần. Phiên bản thử nghiệm của Sàn sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2016, cho phép người dùng phản hồi, góp ý trước khi chính thức công bố trên toàn cầu vào giữa năm 2017.
Mọi kỳ vọng đã thay đổi
Rodney Irwin, Giám đốc Redefining Value Program cho biết, hệ thống mới này chính là câu trả lời nhằm hồi đáp những thay đổi mà khách hàng, nhà đầu tư và các bên có liên quan khác đã kỳ vọng và yêu cầu từ doanh nghiệp.
“Chúng tôi nhận thấy kỳ vọng về hành động và tính minh bạch của doanh nghiệp xung quanh vấn đề phát triển bền vững của nhiều bên đã thay đổi. Điều này tạo nên một môi trường báo cáo phức tạp và khó nắm bắt với doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng rằng, Sàn giao dịch Báo cáo sẽ giúp làm sáng tỏ không gian này”, Irwin cho biết.
Báo cáo phát triển bền vững tiếp tục thu hút các các công ty tìm kiếm cách thức tốt hơn để cung cấp thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư và cộng đồng về những sáng kiến bền vững của mình. Trong năm 2016 và thời gian tới, các doanh nghiệp, hiệp hội công nghiệp và các tổ chức thực hiện báo cáo khác sẽ tìm cách để giảm thiểu chi phí của việc thực hiện báo cáo bền vững, trong khi nâng cao chất lượng của những báo cáo này.
“Chúng tôi nhận thấy rất nhiều tổ chức đang tìm kiếm cách thức tốt hơn để đo lường và thể hiện thông tin khi thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ thấy việc gia tăng sử dụng các yếu tố thiết yếu, vốn xác định và phân loại các mối lo ngại hàng đầu của cổ đông và người lãnh đạo. Các yếu tố này có thể giúp công ty xác định các mối nguy cơ và cơ hội chính, đồng thời cải thiện tốt hơn chiến lược kinh doanh”, Brian Sansoni, Phó chủ tịch Sáng kiến phát triển bền vững tại American Cleaning Institute cho biết.
Gia tăng lợi ích bên trong và bên ngoài
Chiến lược công bố thông tin tốt hơn sẽ giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng doanh thu. Bên cạnh đó, theo Harvard Business Review, tác động từ một báo cáo phát triển bền vững tốt có thể giúp một “công ty tốt” trở thành “một công ty tuyệt vời”, mang tới lợi ích từ cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Lợi ích nội bộ từ báo cáo phát triển bền vững bao gồm cả gia tăng nhận thức về các mối nguy cơ và cơ hội trong công ty. Điều này không chỉ giúp việc vận hành trở nên hiệu quả và tiết giảm chi phí, mà còn giúp cải thiện chiến lược phát triển, chính sách về môi trường, sức khỏe và an toàn trong dài hạn.
Lợi ích bên ngoài từ việc công bố thông tin báo cáo bền vững một cách thường xuyên, định kỳ là xây dựng được niềm tin và danh tiếng, giúp nâng cao sự trung thành của khách hàng, nhà đầu tư, cổ đông với thương hiệu.
Không may, hiện tại, với nhiều công ty, việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững mang lại nhiều nợ nần hơn là lợi ích. Nỗ lực sản xuất các báo cáo dài hơn và công bố tới nhiều tổ chức hơn trở nên quá tốn kém về thời gian và nguồn lực, khiến nhiều công ty không thể theo kịp.
Khơi thông dòng thực hiện báo cáo
Jane Stevensen, Giám đốc CDBS cho rằng, mục tiêu của Sàn giao dịch báo cáo là nhằm thay đổi vấn đề trên bằng cách nâng cao chất lượng và củng cố khả năng thực hiện báo cáo phát triển bền vững của các công ty. Đồng thời, thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện các báo cáo tích hợp.
“Việc bùng nổ báo cáo phát triển bền vững là phản ứng hoàn toàn tự nhiên nhằm đáp trả lại những thay đổi về kỳ vọng từ các bên. Xu hướng này cũng đồng thời nhấn mạnh thách thức mà các công ty phải đối mặt về việc xác định ảnh hưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh tới nền kinh tế, xã hội và môi trường, trong khi vẫn phải đảm bảo mang lại giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, giải quyết được vấn đề này trong thực tiễn phát triển bền vững của công ty sẽ giúp tạo ra nhiều giá trị tốt, cả về số lượng và chất lượng”, Stevensen cho biết.
Đo lường giá trị vượt qua cả chỉ tiêu tài chính
Trong một nỗ lực khác nhằm khơi thông dòng thực hiện báo cáo phát triển bền vững, giúp các công ty cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn, dự án Báo cáo phát triển bền vững tới năm 2025 của GRI đã xác định một số xu hướng mới trong việc thực hiện báo cáo bền vững.
Giáo sư Nelmara Arbex, nhà tư vấn cấp cao về sáng kiến báo cáo tại GRI cho rằng, môi trường, xã hội và sự minh bạch là những xu hướng nổi bật đối với các công ty thực hiện báo cáo phát triển bền vững trong thập kỷ tới.
“Giá trị của các công ty sẽ được đo lường trong một khoảng rộng hơn, không chỉ riêng về lĩnh vực tài chính, mà còn về con người và xã hội. Do đó, nội dung của các báo cáo phát triển bền vững trong một thập kỷ tới sẽ tập trung thể hiện cam kết, chiến lược gắn liền với các thách thức từ con người và xã hội. Các báo cáo sẽ được thực hiện dưới dạng điện và gắn nhãn các thông tin, cho phép các bên có liên quan dễ dàng truy cập và so sánh số liệu”, Arbex cho biết.
Gần đây, Trung tâm Phát triển bền vững Canada đã tiến hành một nghiên cứu, xem xét 415 báo cáo phát triển bền vững được công bố năm 2015 và xác định một số xu hướng mới trong việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững.
Thứ nhất, 82% các công ty thực hiện báo cáo phát triển bền vững là công ty niêm yết. Nguyên nhân chính là việc các công ty phải tiến hành công bố thông tin theo quy định niêm yết, đồng thời, các công ty này có mong muốn thể hiện hình ảnh tốt hơn nhằm thu hút nguồn vốn qua thị trường chứng khoán.
Thứ hai, một xu hướng mới nổi là số lượng các công ty vừa và nhỏ thực hiện báo cáo phát triển bền vững gia tăng nhanh chóng. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng nhanh và mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Thứ ba, hướng dẫn thực hiện báo cáo của GRI vẫn duy trì vị trí số một khi được đa phần các công ty sử dụng. Đặc biệt, các thương hiệu càng lớn thì càng ít sử dụng GRI hay bất kỳ hệ thống hướng dẫn nào khác, các công ty này thường tự thực hiện theo phong cách của riêng mình.
Thúc đẩy thực hiện báo cáo tích hợp
Một báo cáo được công bố đầu năm 2016 bởi hãng tư vấn Black Sun cho thấy, trong hơn 350 CEO, CFO và COO từ các quốc gia trên toàn cầu tham gia khảo sát, chỉ 25% tự tin cho rằng, báo cáo phát triển bền vững của công ty họ đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhà đầu tư, cũng như các bên liên quan khác.
Nghiên cứu này đồng thời cho thấy, 91% cảm thấy việc thiết lập liên kết giữa các thông tin tài chính và phi tài chính giúp quản trị tốt hơn các nguy cơ có thể xảy ra. Trong đó 89% đồng ý rằng thực hiện báo cáo tổng hợp cả 2 yếu tố trên giúp hoạt động của công ty tiến triển tốt hơn trong dài hạn.
Theo Hội đồng Báo cáo tích hợp quốc tế, báo cáo của Black Sun đã thể hiện xu hướng chuyển dịch sang thực hiện báo cáo tích hợp. Theo đó, 28% các công ty tham gia khảo sát cho biết họ đang trong quá tình cải thiện việc thực hiện báo cáo tích hợp.
Trong tháng 5/2016, IIRC cùng với các tên tuổi lớn khác nhu CDP, GRI, CDBS, IAS, ISO và SASB đã công bố một bản đồ thông tin cung cấp cái nhìn toàn cảnh và sự so sánh các hệ thống thông tin, tiêu chuẩn và các yêu cầu có liên quan trong báo cáo tích hợp, như một lời hồi đáp tới thị trường, khi các thành viên thị trường yêu cầu cần có kho dữ liệu dễ truy cập và so sánh hơn.
“Có thể nói rõ rằng, báo cáo tích hợp là việc người đọc có thể hiểu được làm cách nào công ty của bạn tạo ra giá trị qua thời gian, bằng việc đo lường các chiến lược và mô hình kinh doanh. Theo đó, báo cáo tích hợp thay đổi vòng quay hiện tại của các báo cáo bằng cách đo lường chỉ tiêu tài chính, đồng thời với đo lường ảnh hưởng xã hội, từ đó có đánh giá tổng thể về toàn bộ hoạt động kinh doanh”, Jonathan Labrey, Giám đốc chiến lược của IIRC cho biết.