Có thể hiểu một cách đơn giản về động lực phát triển của bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cách mạng công nghiệp lần thứ 1 từ 1784, gồm máy hơi nước, sản xuất cơ khí, xe lửa.
Cách mạng công nghiệp lần 2 từ 1870 là giai đoạn máy phát điện sản xuất hàng loạt, cách mạng công nghiệp lần 3 từ 1970 là thời đại của điện tử, máy tính và Internet; Cách mạng công nghiệp lần 4 từ 2010 là thời đại của IoTs, in 3D, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự tiếp nối phát triển ở trình độ cao hơn của cách mạng công nghiệp 3.0, bắt nguồn từ các quốc gia phát triển như Bắc Mỹ và Tây Âu. Động lực phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 là phát triển công nghiệp số hóa bao gồm công nghiệp vật lý, công nghệ số, công nghệ sinh học.
Cụ thể, đó là tự động hóa, công nghệ in 3D, người máy tân tiến, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, máy học tự động, công nghệ gen, in sinh học, y học chính xác/theo gen…
Đặc điểm của cách mạng công nghệ 4.0 là tốc độ thay đổi nhanh chóng, kết hợp nhiều công nghệ khác nhau, tác động sâu rộng tới mọi mặt cuộc sống. Kết nối, chia sẻ và dữ liệu là rất quan trọng. Cách mạng công nghệ 4.0 có tác động tích cực về lâu dài, nhưng trong ngắn hạn có những tác động tiêu cực.
Cơ hội đối với doanh nghiệp từ cuộc cách mạng này là rất lớn, giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý (80 - 90% theo Mckinsey &Co); ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ mới trong quản trị điều hành, hoạch định chiến lược, tăng năng suất lao động; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác; tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số…); tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái điện tử kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch, giáo dục, thương mại và kinh doanh bất động sản…
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng góp phần cung cấp sản phẩm dịch vụ qua biên giới dễ dàng với chi phí thấp. Theo các nghiên cứu thị trường, thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với nhau trên toàn cầu có thể đạt 6.700 tỷ USD năm 2020, thương mại số dự báo tăng 15% năm giai đoạn 2015 - 2020.
Tuy nhiên, nó cũng tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp như thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, mô hình tổ chức, mô thức quản trị, văn hóa kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp phải có chiến lược quản lý sự thay đổi. Những thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin, yêu cầu nguồn vốn đầu tư và giải pháp đầu tư tối ưu.
Thách thức mà các doanh nghiệp cũng phải đối phó là về nguồn nhân lực đó là cắt giảm và sàng lọc nhân sự, nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin thiếu và yếu, dịch chuyển lao động lớn và nhanh hơn, thách thức về hiện tượng trì trệ tiền lương, tức là doanh nghiệp yêu cầu người lao động nhiều thay đổi nhưng tăng lương không theo tỷ lệ tương xứng.
Rủi ro công nghệ thông tin cũng gia tăng, đặc biệt an ninh mạng, thanh toán, dữ liệu, vấn đề bảo mật. Cạnh tranh sẽ tinh vi và khốc liệt hơn.
Bên cạnh đó là thách thức từ xu hướng phát triển của tiền điện tử, tác động đến hệ thống thanh toán và thị trường tiền tệ; đặc biệt, thách thức từ hiểu biết của khách hàng, đối tác và cơ quản quản lý về công nghệ số hạn chế.
Nói như PGS. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản cuộc sống, thói quen của con người, nó có thể làm thay đổi cấu trúc ngành nghề trên thế giới, thay đổi cuộc sống loài người.
Dẫu vậy, việc thích ứng từ các doanh nghiệp là xu hướng khó có thể đảo ngược. Số người dùng Internet trên thế giới tính đến tháng 5/2017 đạt 3,63 tỷ người, chiếm gần 60%, còn tại Việt Nam tỷ lệ sử dụng Internet là 52%, tăng 3,3% so với năm ngoái. Đây là cuộc cách mạng tất yếu mà con người chỉ có thể chọn cách tham gia hoặc bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Lợi thế nhất cho doanh nghiệp Việt Nam là cả thế giới đều bước vào cuộc Cách mạng 4.0 ở cùng một vạch xuất phát. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chân, đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng 4.0 thì rất có thể, sau cuộc cách mạng, vị thế của nước Việt Nam, của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế sẽ khác hẳn.
Chẳng hạn, FPT đã trở thành đối tác duy nhất tại khu vực ASEAN của General Electric (GE) về công nghệ IoT; nhận giấy chứng nhận là đối tác đặc biệt của Amazon Web Services (AWS) với trên 200 chứng chỉ công nghệ. Năm 2016, tăng trưởng doanh thu từ việc cung cấp các giải pháp liên quan đến công nghệ mới (S.M.A.C và IoT) của FPT đạt 2.179 tỷ đồng, tăng 144% so với 2015.
Giải pháp chiến lược đối với doanh nghiệp, theo các chuyên gia, là tìm hiểu, đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực và doanh nghiệp mình; xây dựng và thực thi chiến lược, mô thức kinh doanh phù hợp với thời đại số (doanh nghiệp số, ngân hàng số).
Doanh nghiệp cần lưu ý về vấn đề văn hóa kinh doanh; nghiên cứu tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin; thay đổi mô thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, có chính sách bố trí, sắp xếp nhân lực nhân lực khi thực hiện doanh nghiệp số, tạo lập môi trường đổi mới và sáng tạo; tăng cường hợp tác và kết nối (ví dụ giữa ngân hàng và fintech), chủ động và tăng cường khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro công nghệ thông tin; xây dựng, quản lý khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu; hỗ trợ nâng cao kiến thức, nhận thức của khách hàng và cơ quan quản lý về cách mạnh công nghệ 4.0.