Cần xử lý nợ xấu rốt ráo như dập dịch Covid.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tăng đến 4%
Để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoãn thanh toán nợ gốc và lãi vay.
Theo Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), tính đến cuối tháng 12/2020, biện pháp hỗ trợ này được áp dụng đối với tổng lượng nợ lên đến 6.600 tỷ NDT (tương đương 1.000 tỷ USD).
Các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc được hỗ trợ khá nhiều từ chính sách này. Thế nhưng nỗi lo lắng của các ông chủ ngân hàng ngày càng lớn dần khi lượng nợ xấu lớn bắt đầu phát lộ sau khi quy định trên hết hạn vào ngày 31/3/2020.
“Nợ xấu chiếm tỷ lệ hoãn trả cao hơn so với những khoản nợ thông thường”, Chủ tịch Gu Shu của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, 1 trong 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc cảnh báo.
Được biết, nợ xấu của Trung Quốc đã tăng từ mức 6.200 tỷ NDT vào cuối năm 2019 lên mức 6.500 tỷ NDT (990,22 tỷ USD) vào cuối năm 2020, tương đương 4,5% tổng các khoản vay, sau khi các ngân hàng được yêu cầu hỗ trợ khách hàng với các khoản vay lãi suất thấp và lùi thời hạn thanh toán nợ.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings ước tính, các khoản vay được hoãn thanh toán lãi vay và nợ gốc do đại dịch của các doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc tính đến cuối năm 2020 chiếm khoảng 3,5% tổng các khoản vay và được coi là khoản vay thường.
Nguy cơ nằm ở mối quan hệ tín dụng của những ngân hàng cho vay với những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như du lịch, hàng không, bất động sản...
Câu chuyện trên không xa lạ, bởi Việt Nam cũng có chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đại dịch và việc chất lượng vốn vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng cũng đã được ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cảnh báo từ cuối năm 2020.
Theo chuyên gia này, nguy cơ nằm ở mối quan hệ tín dụng của những ngân hàng cho vay với những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như du lịch, hàng không, bất động sản..., khi tỷ lệ vốn vay có vấn đề (nợ xấu) trong danh mục của các ngân hàng tăng lên mức 2,01% trong tháng 8/2020 so với mức 1,63% trong tháng 12/2019.
Thực tế, tác động của Covid-19 dần được phản ánh trong số dư nợ xấu của các ngân hàng. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng lên 1,77% trong quý III/2020 từ mức 1,68% trong quý II/2020, cho dù chi phí dự phòng quý III tăng 18% so với quý II, đưa tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu từ 90% nhích lên 90,6%.
Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại đều tăng trong khoảng 0,2 - 0,7%. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý III/2020 là 91.200 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối quý II/2020.
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, ông Nguyễn Trọng Du, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới mức 2%.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ này đã tăng lên 2,01% vào cuối tháng 8/2020; 2,14% vào cuối tháng 9/2020 và 2,09% vào cuối tháng 10/2020.
Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 3% (so với mức 1,89% cuối năm 2019) và nợ xấu gộp khoảng 5% (so với mức 4,65% cuối năm 2019). Dự báo đến cuối năm 2021, khối nợ xấu này còn có thể tăng hơn nữa, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào khoảng 3,5 - 4% và nợ xấu gộp khoảng 5,5 - 6%.
Điểm tưởng như bình thường lại khá bất thường ở chỗ, kết quả kinh doanh năm 2020 cho thấy, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận năm 2020 vượt kế hoạch đề ra, thậm chí tăng trưởng cao hơn so với năm 2019, bất chấp những khó khăn do tác động tiêu cực từ Covid-19,
Đơn cử, lợi nhuận hợp nhất năm 2020 của MB đạt 10.688 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2019 và vượt 19% kế hoạch cả năm. Hay MSB công bố lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2019.
TPBank công bố lãi trước thuế hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019 và vượt 8% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 1.368 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2019 và hoàn thành 101% kế hoạch năm 2020.
“Lợi nhuận của các ngân hàng vẫn cao trong năm 2020 nhờ nợ xấu được ‘ẩn sâu’ với sự hỗ trợ của Thông tư 01/2020/TT-NHNN”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Còn ông Lực nhấn mạnh: “Trong năm 2021, có thể kinh tế sẽ tốt lên, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt hơn sẽ giảm rủi ro về nợ xấu, nhưng rõ ràng, số lượng nợ cơ cấu lại của các ngân hàng tương đối nhiều. Hiện tại, số lượng nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020 ở mức gần 335.000 tỷ đồng, nếu chia cho tổng dư nợ khoảng 8,5 triệu tỷ đồng thì nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là khoảng 4%. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng khi xử lý”.
Động thái nào của cơ quan quản lý?
Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2021, một lãnh đạo cao cấp Cơ quan Thanh tra Giám sát (NHNN) cho biết, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2020 để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro...
Xác định xử lý nợ xấu một các thực chất, hiệu quả là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn với công tác cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn 2016-2020, NHNN đã chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu, bám sát các giải pháp nêu tại Đề án 1058 và quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42); đẩy mạnh thực hiện các biện pháp, giải pháp xử lý nợ xấu triệt để, quyết liệt, cũng như nâng cao năng lực quản trị, phòng ngừa rủi ro làm phát sinh tăng nợ xấu mới.
Theo đó, tính đến cuối năm 2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 1,21 triệu tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 69,38% tổng nợ đã xử lý), còn lại là bán nợ chiếm 30,62% (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác).
Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2020, đã xử lý được 331.870 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt là 173.760 tỷ đồng) chiếm 52,36% tổng nợ xấu đã xử lý.
Để hạn chế tác động nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng bởi dịch, Covid-19, mới đây, NHNN đã có Thông tư 03 cho phép giãn thời gian trích lập dự phòng nợ xấu do Covid-19 trong 3 năm, đưa ra các tiêu chí cụ thể về cơ cấu nợ...
Cùng với đó, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, NHNN đã báo cáo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết, trong đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các cấp, sở ngành địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết, hỗ trợ tối đa cho các TCTD trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, để tạo thuận lợi hơn cũng như đạt hiệu quả cao nhất cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, cần có văn bản thay thế Nghị quyết 42 bởi lẽ nghị quyết này chỉ mang tính chất thí điểm và cũng sắp hết hiệu lực (có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017), đặc biệt là sớm luật hóa văn bản thay thế này để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trên cơ sở kế thừa những quy định tại Nghị quyết 42, giúp tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ xấu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu. NHNN nên hối thúc các ngân hàng củng cố cơ sở vốn để đón ‘con sóng’ nợ xấu sẽ ập đến, sau khi biện pháp cơ cấu lại, giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp hết hiệu lực vào năm 2023”.