Yếu tố đầu vào
Vốn đầu tư 4 tháng đạt kết quả tích cực. Lượng vốn từ nguồn ngân sách thực hiện tính chung 4 tháng so với cùng kỳ tăng khá (9,1%). Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) điều chỉnh tăng cao; đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh của một số nước, vùng lãnh thổ và một số địa bàn đạt quy mô khá; thực hiện đạt quy mô khá và tăng.
Tuy nhiên, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP quý I/2022 đạt thấp. Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm trong 4 tháng của một số bộ/ngành, tỉnh/thành phố còn rất thấp; FDI đăng ký mới bị giảm… Để cả năm đạt kết quả cao, cần “đẩy nhanh” việc khởi nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nguồn vốn từ ngân sách, nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư…
Về lao động, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước tăng khá; ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số địa bàn tăng cao hơn. Số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá, nhất là ngành xây dựng, một số ngành dịch vụ… Số lao động đang làm việc có xu hướng tăng trở lại, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, kéo tăng thu nhập của người lao động…
Song để phục hồi như trước đại dịch về số lao động, việc làm và thu nhập gặp nhiều thách thức, trong đó lớn nhất là mức năng suất lao động còn thấp. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp một số ngành, ở một số địa bàn bị giảm. Số lao động của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở một số ngành giảm…
Yếu tố đầu ra
Tiêu thụ trong nước bao gồm tiêu thụ nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất và tiêu thụ cho tiêu dùng cuối cùng. Tiêu thụ cho sản xuất tăng góp phần tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm… Tiêu thụ cho tiêu dùng cuối cùng tăng cả ở 2 khoản. Tiêu dùng cuối cùng bằng sản phẩm tự cấp, tự túc tăng cả về số lượng và tỷ trọng trong tổng tiêu dùng cuối cùng.
Tiêu dùng cuối cùng thông qua mua bán trên thị trường có xu hướng tăng cao (so với cùng kỳ, tháng 4 tăng 12,1%, 4 tháng tăng 6,5%). Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%, thì cao gấp khoảng 4 lần tốc độ tăng dân số. Đáng lưu ý, tăng trưởng đạt được ở cả 3 ngành, trong đó du lịch lữ hành tăng cao nhất.
Xuất nhập khẩu đạt được nhiều vượt trội. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (21,6% so với 14,7%). Có 30/35 mặt hàng chủ yếu tăng, trong đó một số mặt hàng có mức tăng khá cao. Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng. Mới qua 1/3 năm, đã có 21 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng trên 5 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu (16,4% so với 15,7%), nên 4 tháng năm nay đã tiếp tục xuất siêu với mức xuất siêu cao hơn cùng kỳ (2,529 tỷ USD so với 1,55 tỷ USD). Trong quý I, mức xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD) với 6 thị trường (Mỹ, Hồng Kông, Hà Lan, Canada, Đức, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh). Các kết quả tích cực trong 4 tháng là tín hiệu khả quan để cả năm xuất khẩu có thể cán mốc 390 tỷ USD và có thể là năm thứ 7 xuất siêu - với mức xuất siêu cao hơn năm trước (trên 4,1 tỷ USD).
Tuy nhiên, nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm, chứng tỏ việc gián đoạn nguồn cung từ nước ngoài vẫn tiếp tục và có nguyên nhân do giá nhập khẩu vẫn tăng cao. Nhập siêu còn rất lớn ở khu vực kinh tế trong nước (9,2 tỷ USD), với một số thị trường (lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…).
Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục là bệ đỡ khi đạt được ở các ngành cụ thể. Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng cao nhất trong 3 nhóm ngành, trong đó tăng cao nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhóm ngành dịch vụ có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng…
Những kết quả của quý I và 4 tháng là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục hạn chế, thách thức, trong đó tập trung đẩy nhanh thực hiện hỗ trợ tài chính - tiền tệ, đẩy nhanh đầu tư công, phát triển kinh tế số…