Các vết nứt trên thị trường tín dụng toàn cầu đang bắt đầu mở rộng

Các vết nứt trên thị trường tín dụng toàn cầu đang bắt đầu mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự sụt giảm nhỏ giọt của giá trái phiếu chính phủ đã trở thành một cơn lũ trong khoảng 3 tuần qua thông qua việc phá hủy giá trị của nhiều danh mục đầu tư trái phiếu.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt quá 5% kể từ năm 2007 vào thứ Hai (23/10). Với quy mô của động thái này, nhiều nhà đầu tư sẽ tự hỏi liệu có điều gì đó tồi tệ đang nổi lên trong mớ hỗn độn này hay không, đặc biệt là khi ký ức về cuộc khủng hoảng trái phiếu chính phủ Anh ngắn ngủi và gay gắt vào năm ngoái vẫn còn đọng lại.

Davide Oneglia, chiến lược gia của TS Lombard cho biết: “Lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng do Mỹ dẫn đầu đã làm dấy lên lo ngại rằng điều gì đó sẽ sớm bị phá vỡ. Tuy nhiên, một loạt chỉ số căng thẳng cho thấy các động thái diễn ra có trật tự và thị trường bớt lo lắng hơn so với khi cuộc khủng hoảng trái phiếu chính phủ ở Anh trong năm ngoái”.

Ông chỉ ra rằng mức độ biến động tăng cao nhưng không cực đoan và điều này được quản lý khá tốt ở thị trường Mỹ. Thị trường tỏ ra bình tĩnh cam chịu hơn là hoảng loạn. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể nghe thấy tiếng chuông cảnh báo mờ nhạt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo trong nhiều tháng rằng đến một lúc nào đó, lãi suất trái phiếu chính phủ tăng cao hơn và chi phí đi vay tăng tương ứng đối với mọi người từ hộ gia đình đến chính phủ sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng. Thực tế về môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn hiện đang trở nên rõ ràng hơn.

Đã có 118 vụ vỡ nợ doanh nghiệp trên toàn cầu trong 9 tháng đầu năm 2023

Đã có 118 vụ vỡ nợ doanh nghiệp trên toàn cầu trong 9 tháng đầu năm 2023

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P đã lưu ý trong tháng này rằng tổng số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trên toàn cầu đã tăng lên mức 118 vụ trong 9 tháng đầu năm nay, gần gấp đôi tổng số vụ vỡ nợ trong cùng kỳ năm 2022 và cao hơn nhiều so với mức 101 vụ trong trung bình 5 năm.

S&P đã chỉ ra rằng hơn một nửa số vụ vỡ nợ trên toàn cầu trong tháng 9 liên quan tới các công ty phải mua lại trái phiếu của chính họ với mức giá thấp. Paul Watters, người đứng đầu cơ quan xếp hạng nghiên cứu tín dụng châu Âu của S&P cho biết, khi điều này được thực hiện bởi các công ty yếu kém và có một số yếu tố không thực hiện được những lời hứa mà họ đã đưa ra với trái chủ, đó là một tín hiệu cho thấy sự bế tắc.

Ông cho biết, nhiều công ty trong số này đã hoạt động với cơ cấu vốn không bền vững trong một thời gian. Chẳng hạn, họ có thể đã giả định rằng có thể tiếp tục trả nợ ở mức lãi suất phải chăng. Chi phí tài chính cao hơn và nền kinh tế yếu hơn, đặc biệt là ở châu Âu đang khiến những mô hình đó rơi vào tình trạng căng thẳng không thể chịu nổi. Kết quả là “các công ty đang cố gắng mua lại trái phiếu và câu thêm một chút thời gian”, ông cho biết.

Đây không phải là cảnh báo đầu tiên của S&P về vấn đề này. Trước đó vào tháng 6, S&P đã chỉ ra sự gia tăng các vụ vỡ nợ có chọn lọc (selective default) trong những năm gần đây, khi tỷ lệ này lên tới hơn 66% vào năm 2022 từ mức chỉ 25% vào năm 2008. Vỡ nợ có chọn lọc xảy ra khi một công ty sẽ không thể đáp ứng nghĩa vụ thanh toán một trong các trái phiếu của mình nhưng vẫn đáp ứng được nghĩa vụ thanh toán với các trái phiếu khác. S&P cho biết các vụ vỡ nợ có chọn lọc chiếm khoảng 50% tổng số vụ trong năm nay – tỷ lệ thấp hơn so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 25% phổ biến vào năm 2008.

Đây là điều đáng báo động vì một khi các công ty rơi vào trường hợp này, họ có thể dễ dàng trở thành điều mà S&P gọi là “những kẻ tái phạm” trên “con dốc trơn trượt”. S&P tính toán rằng các công ty đi theo con đường này có 35% nguy cơ vỡ nợ lần nữa trong vòng hai năm.

Mặc dù vậy, tất cả những căng thẳng này không nhất thiết trở thành thảm họa đối với những người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, bởi vì còn phụ thuộc vào hai điều: thị trường trái phiếu chính phủ cơ bản và phần lợi nhuận tăng thêm để bù đắp cho rủi ro công ty hoặc chênh lệch tín dụng. Nếu suy thoái kinh tế xảy ra ở quy mô đủ lớn để gây ra nhiều vụ vỡ nợ hơn, thì về lý thuyết, giá trái phiếu chính phủ sẽ tăng lên, do đó lợi nhuận sẽ tăng lên ngay cả khi chênh lệch tín dụng giảm.

Tuy nhiên, theo một cách nào đó, sự căng thẳng đã xuất hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bắt đầu cho thấy ảnh hưởng tiêu cực đang dần lan rộng trên thị trường tài chính.

Tin bài liên quan