Chưa đầy 2 tuần sau khi Thủ tướng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đưa ra suy nghĩ về phương án đóng cửa toàn bộ các trang mạng xã hội như Facebook hoặc Twitter trên toàn quốc, ngày 20/3/2014, lệnh chặn truy cập Twitter đã được áp dụng rộng rãi, gây nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.
Thứ Năm tuần qua, chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cảnh báo về việc các trang mạng xã hội là căn nguyên của mọi thông tin bị rò rỉ, gây tổn hại uy tín của Chính phủ trước thềm bầu cử, Twitter ngay lập tức trở thành mục tiêu đầu tiên bị khai trừ khỏi đất nước này.
Cụ thể, Cơ quan viễn thông quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ TIB vừa đưa ra thông báo nêu rõ việc phát hiện một người dùng Twitter cố ý đăng những cuộc ghi âm giọng nói và tài liệu cáo buộc tham nhũng của Thủ tướng Erdoğan. Theo Hãng tin AFP, một người dùng có tên là Haramzadeler (có nghĩa là “con trai của kẻ trộm”) bằng cách nào đó tìm ra cách truy cập vào kho tài liệu bí mật và nghe trộm cuộc điều tra của cảnh sát.
Thông tin bị rò rỉ liên quan đến cuộc hội thoại giữa ông Erdoğan và con trai về vấn đề giấu tiền, cũng như nhiều nội dung bên trong khác có sự nhúng tay của ông Erdoğan như các hợp đồng kinh doanh, phiên tòa xử án và mua chuộc truyền thông.
Tất nhiên, cáo buộc này đã bị ông Erdoğan bác bỏ và cho rằng đây là bằng chứng giả vô cùng thấp hèn, được “pha chế” bởi các đối thủ của ông.
“Hành động này không liên quan gì đến quyền tự do. Tự do không có nghĩa là được quyền xâm phạm chuyện riêng tư của người khác hoặc đưa bí mật quốc gia vượt qua bức tường quốc tế”, ông Erdoğan phát biểu vào ngày thứ Năm.
Thông báo của TIB cũng đã dẫn chứng quan điểm đồng ý thực thi lệnh xóa bỏ Twitter của 4 tòa án Thổ Nhĩ Kỳ làm căn cứ để đưa ra hành động, vốn được xem là một “biện pháp bảo vệ” đúng đắn.
Trước đó, Thủ tướng bày tỏ suy nghĩ sẽ cấm toàn bộ các trang mạng xã hội như Facebook hay Youtube, song yêu cầu này đã bị Tổng thống Abdullah Gul bác bỏ. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được quyết tâm của ông Erdoğan, khi ông tuyên bố trước hàng nghìn người ủng hộ tại một cuộc biểu tình ở phía Tây Bắc Thành phố Bursa rằng: “Chúng ta sẽ khai trừ tất cả các trang mạng. Tôi không quan tâm cộng đồng quốc tế có thể nói thế này, thế kia. Mọi người sẽ thấy nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ có quyền lực như thế nào”.
Vì những bất ổn xảy ra đã dẫn đến việc gần đây Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang không ngừng tăng cường thắt chặt quản lý đối với các công ty mạng, gây ra nhiều sự chỉ trích trong dư luận về vấn đề nhân quyền. Không chỉ riêng Twitter, hàng nghìn website khác cũng đã bị “cấm cửa” tại quốc gia này trong những năm gần đây. Youtube từng nằm trong diện bị “xóa sổ” trong vòng 2 năm, vì bị xem là nguyên nhân làm rò rỉ những tài liệu được coi là đã xâm phạm đến một sĩ quan quân đội được tôn kính trong lịch sử đất nước Thổ Nhĩ Kỳ - ông Mustafa Kemal Ataturk.
Nếu như Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mới bắt đầu “mạnh tay” với các trang mạng xã hội, thì Trung Quốc là quốc gia từ lâu vốn coi các tập đoàn mạng là “kẻ thù không đội trời chung”. Từ Facebook, Twitter, Youtube cho đến Google+, chưa từng có công ty nào có thể xâm nhập vào lãnh thổ quốc gia kể từ khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra lệnh xóa bỏ.
Tháng 6/2009, Trung Quốc ban hành lệnh cấm Twitter với lý do công dân của họ có thể lợi dụng Twitter để tung ra những tin tức đầu tiên liên quan đến những sự kiện chính trị quốc gia chưa qua sàng lọc và kiểm duyệt.
Tháng 7/2009, Facebook rơi vào bi kịch tương tự khi các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng các trang mạng xã hội là nguyên nhân chính gây nên những cuộc bạo loạn đẫm máu ở tỉnh phía Tây khu vực Tân Cương. Tất cả các máy chủ và các website cung cấp sử dụng Facebook đều bị khóa hoàn toàn. Thậm chí, quốc gia này còn kiểm soát gắt gao những trang thông tin bị cấm để chặn mọi nguồn truy cập trái phép.
Năm ngoái, trang New York Times cũng vô tình sẩy chân vào vùng cấm khi đăng thông tin về việc gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo tích lũy khối tài sản khổng lồ.
Song song với việc sở hữu lượng người sử dụng lớn và cập nhật tin tức nhanh nhạy là mặt tiêu cực của độ chính xác nguồn thông tin đăng tải. Chính điều này đang dấy lên sự lo ngại về việc sẽ có nhiều quốc gia quyết tâm “khai trừ” mạng xã hội ra khỏi đất nước. Chắc chắn rằng, với việc mất đi hơn 10 triệu người dùng tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là tổn thất lớn cho Twitter trong tương lai.