Ông Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt - Chủ tịch và Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa bị Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ông Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt - Chủ tịch và Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa bị Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các trái chủ Tân Hoàng Minh sẽ được bồi thường như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật sư Bùi Đình Ứng nhận định, việc các bị can trong vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nộp lại hơn 8.645 tỷ đồng bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt, sẽ là căn cứ để Tòa án giải quyết việc đền bù thiệt hại cho trái chủ Tân Hoàng Minh. 

Vừa qua, tại Kết luận điều tra vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, các bị can trong vụ án đã nộp lại toàn bộ số tiền bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt trị giá hơn 8.645 tỷ đồng.

Tiếp đó, tại buổi họp báo công tác quý III, nhiệm vụ công tác trọng tâm quý IV/2023 do Bộ Công an tổ chức chiều 2/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế (C03, Bộ Công an) cũng xác nhận, cơ quan này đã thu hồi toàn bộ số tiền Tân Hoàng Minh chiếm đoạt của các nhà đầu tư.

Ông Thành nói rằng, đây là vật chứng trong vụ án. Khi đưa ra xét xử, Tòa án tuyên Tân Hoàng Minh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sau đó, các bị hại có thể nhận lại tiền.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội chung quanh vấn đề trên.

Thưa luật sư, dựa vào đâu để các trái chủ của Tân Hoàng Minh xác định mình là đối tượng được bồi thường trong vụ án này?

Tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: "Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra".

Bị hại hoặc người đại diện của họ có một số quyền lợi, trong đó có quyền "Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường" (khoản g, Điều 62).

Đối chiếu với vụ án Tân Hoàng Minh cho thấy, những trái chủ thỏa mãn cả hai điều kiện sau đây sẽ được coi là "bị hại" trong vụ án này, tức là đối tượng sẽ được bồi thường:

Một là: những nhà đầu tư (trái chủ) mua trúng 9 lô trái phiếu do Tập đoàn này làm trái chủ sơ cấp, được thể hiện trong Kết luận điều tra.

LS Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - Ảnh: H.Y

LS Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - Ảnh: H.Y

Hai là: những nhà đầu tư (trái chủ) mua trúng 9 lô trái phiếu trên và có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại gửi Bộ Công an theo thông báo trước đó của cơ quan này.

Hiện nay, con số bị hại của vụ án này theo Bộ Công an công bố là 6.631 người.

Nghĩa là sẽ chỉ có 6.631 trái chủ nhận được bồi thường?

Đây là con số do Bộ Công an công bố tại thời điểm công bố Kết luận điều tra (ngày 29/9/2023), có thể chưa phải là con số cuối cùng.

Hiện nay, vụ án mới kết thúc giai đoạn điều tra, cần phải trải qua hai giai đoạn truy tố và xét xử thì mới kết luận được là có bao nhiêu bị hại, mỗi bị hại bị chiếm đoạt bao nhiêu tiền, trách nhiệm pháp lý liên quan như thế nào…

Vậy bao giờ những bị hại này sẽ được nhận lại tiền?

Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về "Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự" thì: "Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.

Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự".

Như vậy, sau khi trải qua quá trình xét xử sơ thẩm (và phúc thẩm, giám đốc thẩm – nếu có), Toà án sẽ có phán quyết cuối cùng về vấn đề này.

Các trái chủ - bị hại có được trả lại cả gốc và lãi trái phiếu hay chỉ được trả lại số tiền gốc ban đầu?

Căn cứ vào hồ sơ của từng bị hại, các chứng cứ thu thập được, lời khai tại Toà…, Hội đồng xét xử sẽ quyết định vấn đề này.

Sau khi Tòa án ra phán quyết cuối cùng, các bị hại cần làm đơn đề nghị thi hành án dân sự theo bản án đã tuyên, gửi cơ quan thi hành án để có căn cứ thi hành án bồi thường.

Tại Kết luận điều tra công bố hôm 29/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đề nghị truy tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 14 bị can khác về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, bị can Dũng đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, con trai Dũng) và các bị can khác, thông qua ba công ty con (Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil), phát hành 9 lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 10.300 tỷ đồng.

Công ty Tân Hoàng Minh sau đó mua lại hết số trái phiếu trên (trở thành trái chủ sơ cấp), rồi bán lại cho nhà đầu tư cá nhân (trái chủ thứ cấp), thu về hơn 13.972 tỷ đồng.

Quá trình phát hành 9 lô trái phiếu nói trên, các bị can được cho là đã che giấu thông tin, gian dối thông tin trong hồ sơ phát hành; “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; sử dụng tiền huy động từ trái phiếu không đúng mục tiêu cam kết trong hồ sơ phát hành… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin bài liên quan