Việc giao ACV là đơn vị khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành nhận được nhiều sự ủng hộ của các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Đây là thông tin được ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV đưa ra tại cuộc họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (sân bay Long Thành) được Hội đồng Thẩm định Nhà nước tổ chức vào sáng nay.
Theo Tổng giám đốc ACV, từ đầu năm đến nay, đơn vị này liên tục nhận được các bản chào vay vốn của nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới để đầu tư vào Cảng hàng không Long Thành. Điều đáng lưu ý là mức lãi suất cho các khoản vay bằng USD hiện chỉ khoảng 4%/năm, thấp hơn từ 1 - 2% so với các bản chào được gửi tới đơn vị chủ đầu tư Dự án lập nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành trước thời điểm dịch Covid – 19.
“Nếu Dự án được triển khai sớm để tận dụng dòng vốn quốc tế đang dư thừa này, tổng mức đầu tư công trình sẽ giảm đáng kể”, CEO ACV cho biết và thông tin thêm rằng, hiện các hoạt động động khai thác bay nội địa đã đạt 70% mức thường lệ và chắc chắn ACV sẽ không lỗ trong năm 2020, trước khi phục hồi hoàn toàn các khoản doanh thu, lợi nhuận vào năm 2022 qua đó đủ sức cân đối tài chính để đầu tư cho các dự án hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và mở rộng T2 Nội Bài.
Được biết, hiện Bộ GTVT đang đề xuất giao ACV là đơn vị khai thác cảng và chủ đầu tư Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu của cảng hàng không bao gồm công trình hạ tầng chung; đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính sách; nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, nhà điều hành cảng… Tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 vào khoảng 4,149 tỷ USD, trong đó ACV dự kiến bố trí vốn tự có được 1,566 tỷ USD và dự kiến cần huy động tín dụng trong nước và quốc tế 2,628 tỷ USD.
Trong năm 2019, ACV đã làm việc với 12 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và đã ký các biên bản thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm với lãi suất dự kiến khoảng từ 5,5 -6%/năm.
ACV cũng đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của Dự án.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, hoạt động tại sân bay Long Thành đòi hỏi phải có sự phối hợp, hiệp đồng hết sức chặt chẽ giữa nhà đầu tư, khai thác Cảng với các lực lượng với quân đội, công an và các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thường xuyên; kịp thời phản ứng và có hiệu quả trước các tình huống cấp bách, khẩn cấp mà không lường trước được góp phần ổn định an ninh, chính trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, phần lớn các quốc gia trên thế giới, Nhà nước đều nắm vai trò chủ đạo tại các cảng hàng không lớn lớn, quan trọng, cửa ngõ quốc gia (kinh nghiệm quốc tế được trình bày dưới đây). Việc giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng sẽ giúp Nhà nước (thông qua người đại diện vốn nhà nước tại ACV đang năm hơn 90% vốn điều lệ) trong trường hợp cần thiết, có thể đưa ra các quyết định có thể bất lợi đối với ACV nhưng đảm bảo được lợi ích công cộng, lợi ích chung của Quốc gia; đảm bảo an ninh, an toàn tại Cảng hàng không cửa ngõ quốc gia.
Bên cạnh đó, việc giao cho ACV là nhà đầu tư sẽ giữ lại nguồn lợi kinh doanh từ sân bay Long Thành cho quốc gia (Dự án có hiệu quả tài chính cao) và tạo lượng việc làm lớn cho người dân Việt Nam. Trường hợp đầu tư theo hình thức PPP thì sẽ phải thực hiện đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư (theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Đầu thầu), khi đó một phần nguồn lợi kinh tế và việc làm sẽ do doanh nghiệp và người nước ngoài hưởng, đặc biệt vấn đề an ninh – quốc phòng là khó kiểm soát.
Theo tính toán tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, khi đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm sân bay Long Thành giai đoạn 1 có khả năng đem lại lợi nhuận ở mức 100 - 200 triệu USD/năm (tương đương 2.390 – 4.780 tỷ đồng/năm). Nguồn lợi nhuận này một phần sẽ được nộp cho ngân sách nhà nước dưới dạng cổ tức ứng với 95,4% tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại ACV, phần còn lại sẽ được tích luỹ để tái đầu tư phát triển các cảng hàng không như: Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; đồng thời chuẩn chuẩn bị đầu tư Dự án giai đoạn 2.