Sau khi dự báo giống nhau vào tháng 10, dự báo nhu cầu dầu cho năm 2022 từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lại khác nhau trong tháng 11 này.
Trong khi IEA và EIA tập trung vào người tiêu dùng đã đánh giá về nhu cầu gia tăng, thì các nhà dự báo tại OPEC tiếp tục thiên về xu hướng giảm hơn. Điều đó có thể giải thích tại sao OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tháng 10.
Triển vọng kinh tế xấu đi trong bối cảnh lạm phát tràn lan, chính sách Zero Covid của Trung Quốc và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đang đè nặng lên triển vọng nhu cầu dầu mỏ. Trong khi IEA và EIA đã nhanh chóng cắt giảm dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu sau khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu nổ ra vào tháng 2, các nhà phân tích của OPEC đã phản ứng chậm hơn nhiều.
Đến tháng 10, cả ba tổ chức đã hội tụ về nhu cầu dầu toàn cầu ở con số trung bình chỉ hơn 99,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhưng các nhà phân tích của OPEC đã cắt giảm dự báo trong báo cáo mới nhất, trong khi IEA và EIA đều tăng dự báo nhu cầu dầu, nới rộng khoảng cách khác biệt về dự báo của 3 tổ chức này. Mặc dù vậy, chênh lệch giữa dự báo cao nhất và thấp nhất chỉ là 260.000 thùng/ngày, tương đương 0,26% tổng nhu cầu.
Dự báo nhu cầu dầu toàn cầu của các tổ chức |
Tuy nhiên, dự báo về con số trung bình hàng năm đã thể hiện một số khác biệt lớn hơn nhiều trong quan điểm của các tổ chức về nhu cầu dầu quý hiện tại và quý tiếp theo.
IEA nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu trong quý cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ tăng một lượng nhỏ vào đầu năm sau. Trong khi đó, EIA và OPEC đều có quan điểm tích cực hơn nhiều về nhu cầu tiêu thụ dầu, với dự báo nhu cầu sẽ tăng khoảng 750.000 thùng/ngày trong quý IV/2022 và tăng lên khoảng 2 triệu thùng/ngày trong quý I/2023.
Dự báo nhu cầu dầu hàng quý của các tổ chức |
Các dự báo hội tụ trong một thời gian ngắn cho quý II/2023 trước khi lại khác biệt trong nửa cuối năm, lần này EIA có đưa ra quan điểm bi quan hơn.
Các quan điểm khác nhau về nhu cầu có ý nghĩa đối với các quyết định về sản lượng từ nhóm các nhà sản xuất OPEC+. Trong cuộc họp của OPEC+ vào đầu tháng 10, liên minh đã quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày có hiệu lực từ đầu tháng 11. Việc cắt giảm sản lượng thực tế sẽ nhỏ hơn nhiều, vì nhiều thành viên của OPEC+ đã bơm thấp hơn nhiều so với mục tiêu của họ. Trong đó, một số đợt cắt giảm sản lượng thực tế dự kiến từ các nước như Ả Rập Xê Út, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ được bù đắp bằng sản lượng tăng ở Kazakhstan và Nigeria.
Theo dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn thứ cấp sử dụng để theo dõi mức sản lượng, các thành viên OPEC đã bơm 29,5 triệu thùng/ngày vào tháng trước.
Việc giữ sản lượng của các nhà sản xuất không thay đổi ở mức đó sẽ dẫn đến sự gia tăng nhỏ trong kho dự trữ dầu toàn cầu, trung bình dưới 200.000 thùng/ngày trong quý hiện tại và trong nửa đầu năm tới.
Trong khi đó, kho dự trữ dầu cần được xây dựng lại. Các kho dự trữ dầu thương mại ở các nước OECD chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu kỳ hạn chỉ trong 58 ngày vào cuối quý III/2022, ít hơn khoảng 4 ngày so với mức trước đại dịch. Các kho dự trữ khẩn cấp do chính phủ kiểm soát thấp hơn khoảng 6 ngày khi sử dụng biện pháp tương tự.
Liệu những kho dự trữ đó có thể được bổ sung hay không sẽ phụ thuộc vào cả mức độ cắt giảm sản lượng và khả năng phục hồi của nhu cầu dầu toàn cầu trong mùa đông ở Bắc bán cầu. Cả hai yếu tố đó vẫn còn rất không chắc chắn.