4 thương hiệu nổi tiếng là Pepsi, Coca-Cola, McDonald’s, Starbucks trước đó đều bị chỉ trích vì tiếp tục hoạt động tại Nga trong khi các công ty khác của Mỹ đã thông báo tạm ngừng kinh doanh.
Đây là động thái đầu tiên của 4 nhãn hàng F&B lớn mang biểu tượng của Mỹ nhằm phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Pepsi đã bán sản phẩm của mình ở Nga trong hơn 6 thập kỷ và cũng là số ít khu vực trên thế giới nơi thị phần Pepsi áp đảo Coca-Cola. Trong báo cáo, Coca-Cola cho biết hoạt động kinh doanh ở Ukraine và Nga chỉ đóng góp từ 1-2% tổng doanh thu thuần và thu nhập hợp nhất trong năm 2021. Trong khi đó, khoảng 4% doanh thu hàng năm của Pepsi đến từ Nga.
Pepsi cho biết, sẽ tiếp tục bán một số sản phẩm thiết yếu tại Nga như sữa bột, sữa tươi và thức ăn cho trẻ em nhưng sẽ tạm dừng các mảng kinh doanh là Pepsi-Cola, 7UP, Mirinda, cùng các khoản đầu tư, quảng cáo và khuyến mại. Giám đốc điều hành Pepsi, Ramon Laguarta chia sẻ: “Là một công ty thực phẩm và đồ uống, hơn bao giờ hết chúng tôi phải đề cao khía cạnh nhân đạo trong hoạt động kinh doanh của mình”.
Theo Wall Street Journal, Pepsi đang cân nhắc các lựa chọn khác cho hoạt động kinh doanh ở Nga của mình, bao gồm cả việc rút hoàn toàn khỏi Nga. Tuy nhiên, việc xuất hiện các biện pháp trừng phạt từ Mỹ khiến quá trình thoái vốn ở Nga phức tạp hơn.
Kể từ thời điểm Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nhiều công ty Mỹ cũng tìm cách giảm sự hiện diện ở cả Nga và Ukraine. Một số chuỗi nhà hàng đã chọn bán bớt một số địa điểm thuộc sở hữu của công ty cho các nhà nhượng quyền tại địa phương.
Gã khổng lồ đồ ăn nhanh McDonald’s hôm 8/3 cũng thông báo tất cả 850 nhà hàng của McDonald’s sẽ tạm thời đóng cửa. Các nhà hàng McDonald’s ở Nga và Ukraine đóng góp 9% doanh thu hàng năm của hãng, tương đương khoảng 2 tỷ USD. Khoảng 84% chi nhánh tại Nga thuộc sở hữu của McDonald’s, số còn lại kinh doanh theo hình thức nhượng quyền. Sở hữu nhiều nhà hàng hơn đồng nghĩa với doanh thu lớn hơn cho công ty, nhưng cũng kéo theo nhiều rủi ro hơn trong thời kỳ hỗn loạn hoặc suy thoái kinh tế.
Starbucks sau đó cũng tuyên bố sẽ đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh của Nga, bao gồm cả việc vận chuyển sản phẩm. Hãng nói đối tác Alshaya, vận hành hơn 100 cửa hàng cà phê Starbuck ở Nga, vẫn sẽ trả lương cho gần 2.000 nhân viên của Starbucks. CEO công ty là Kevin Johnson cũng lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga.
Việc 4 thương hiệu lớn đóng cửa diễn ra sau khi một loạt thương hiệu tiêu dùng khác bao gồm Netflix, Levi's, Burberry, Ikea và Unilever, chủ sở hữu của Marmite và Ben & Jerry's, thông báo họ đã ngừng kinh doanh tại Nga. Các công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu bao gồm KPMG, PwC, EY và Deloitte cũng đã dừng các hoạt động kinh doanh ở Nga và Belarus.
Các công ty trên khắp thế giới đang đau đầu để đánh giá mối liên hệ của họ với Nga sau khi Mỹ, EU và Anh tìm cách cô lập nước này về mặt kinh tế bằng các lệnh trừng phạt.