Các thị trường mới nổi ra sức bảo vệ đồng nội tệ trong bối cảnh đồng đô la mạnh lên

Các thị trường mới nổi ra sức bảo vệ đồng nội tệ trong bối cảnh đồng đô la mạnh lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Can thiệp tiền tệ đã trở thành một chiến trường quan trọng ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á, khi đợt hồi phục mới nhất của đồng đô la đang gây áp lực buộc các quan chức phải hành động.

Tại Hàn Quốc, Thái Lan và Ba Lan, các nhà hoạch định chính sách cho biết đang theo dõi chặt chẽ biến động tiền tệ hoặc tuyên bố sẽ can thiệp nếu cần thiết. Indonesia đã tiến một bước xa hơn bằng cách bán đô la, còn Trung Quốc cho rằng sự ổn định của đồng nhân dân tệ là chìa khóa.

Dữ liệu lạm phát nhanh hơn dự kiến của Mỹ vào tuần trước đã làm giảm kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cho thấy cuộc chiến chống lại sức mạnh của đồng đô la sẽ không sớm kết thúc. Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông giữa Israel và Iran có nguy cơ tạo ra một làn sóng mới về nhu cầu đối với đồng bạc xanh như một nơi trú ẩn.

Marcella Chow, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management cho biết: “Hiện tại, chúng tôi nhận thấy rất nhiều sự can thiệp bằng lời nói từ các ngân hàng trung ương khác nhau… Do Fed dường như không sớm nới lỏng chính sách, có thể các đồng tiền châu Á đang suy yếu hơn và điều đó cho thấy rằng có thể cần có nhiều can thiệp bằng lời nói hơn”.

Sự gia tăng hoạt động can thiệp của ngân hàng trung ương chỉ là một lĩnh vực xung đột khác xuất phát từ việc Fed chuyển hướng sang lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Các nhà giao dịch đã giảm bớt kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất dự kiến của Mỹ trong những tháng gần đây do dữ liệu giá tiêu dùng không ổn định, điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

% tăng/giảm của một số đồng tiền ở thị trường mới nổi so với đồng đô la từ đầu năm tới nay

% tăng/giảm của một số đồng tiền ở thị trường mới nổi so với đồng đô la từ đầu năm tới nay

Can thiệp bằng lời nói (Jawboning)

Các nhà hoạch định chính sách Thái Lan đang phải đối mặt với thử thách nghiêm khắc trong việc cố gắng hỗ trợ đồng Baht, vốn đã giảm khoảng 6% trong năm nay. Cách tiếp cận của họ là sử dụng thuật hùng biện để đưa ra thông điệp mạnh mẽ hơn.

Các nhà hoạch định chính sách Thái Lan cho biết trong cuộc họp ngày 10/4: “Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những biến động trên thị trường ngoại hối”.

Ngân hàng trung ương Ba Lan trong cuộc họp ngày 4/4 cho biết rằng họ có thể can thiệp để củng cố đồng zloty. Các nhà hoạch định chính sách cho biết, đồng nội tệ mạnh hơn sẽ giúp kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, theo các quan chức của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, họ đang theo dõi chặt chẽ đồng won sau khi đồng tiền này chịu áp lực vào tuần trước.

Bán đô la

Ngân hàng trung ương Indonesia đã tiến một bước xa hơn bằng cách mua đồng rupiah để hạn chế sự sụt giảm của đồng nội tệ. Thống đốc Perry Warjiyo cho biết, sự can thiệp và bán chứng khoán lợi suất cao sẽ là đòn bẩy chính của họ trong năm nay để củng cố đồng tiền.

Ngân hàng trung ương Peru đã khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên với việc cắt giảm lãi suất vào tuần trước, và được cho là thường xuyên bán đô la trong những tháng gần đây khi ngân hàng này tìm cách hỗ trợ đồng sol. Các quan chức trước đây cho biết, mục tiêu của các biện pháp can thiệp là giảm biến động tiền tệ.

Mặc dù không phải chủ yếu để đáp lại đồng đô la, nhưng ngân hàng trung ương Israel đã triển khai việc bán đồng đô la chưa từng có sau cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10 để bảo vệ đồng shekel.

Nhiều ngân hàng trung ương can thiệp mạnh nhất đều ở châu Á, đây là khu vực đã chứng kiến một số khoản lỗ tiền tệ lớn nhất trong tháng qua.

Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại HSBC Holdings cho biết: “Các ngân hàng trung ương châu Á không thể mất cảnh giác”. Các đồng tiền yếu thường gây áp lực lên lạm phát, “điều đó cũng có thể có nghĩa là thực tế giai đoạn cuối cùng của lạm phát không chỉ gây khó khăn cho Mỹ mà còn có thể gây khó khăn cho một số nền kinh tế khác nhau”.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc

Một ví dụ điển hình về thách thức mà một số quan chức ở các thị trường mới nổi phải đối mặt là tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc đối với đồng nhân dân tệ: hỗ trợ đồng nhân dân tệ nhưng có nguy cơ làm suy thoái kinh tế trở nên tồi tệ hơn, hoặc để đồng tiền này suy yếu nhưng khuyến khích dòng vốn chảy ra ngoài.

Ngân hàng trung ương nước này đã chọn phương án hỗ trợ đồng nhân dân tệ và chuyển sang việc cố định đồng nhân dân tệ làm công cụ chính. Các nhà hoạch định chính sách đã giữ tỷ giá tham chiếu hàng ngày ở một phạm vi hẹp trong những tháng gần đây, ngay cả khi đồng nhân dân tệ suy yếu, đồng tiền này đang tiến gần hơn đến ranh giới 2% hàng ngày xung quanh mức ấn định mà nó được phép giao dịch.

Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ Group Holdings cho biết, Trung Quốc đang ưu tiên ổn định tỷ giá hối đoái nhưng có thể phải sử dụng nhiều công cụ hơn để giữ đồng nhân dân tệ không mất giá nếu đồng đô la tiếp tục mạnh lên.

Trong khi đó, mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy đà tăng của đồng đô la sắp kết thúc, nhưng ít nhất một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là thời điểm thích hợp để bắt đầu quay trở lại với một số loại tiền tệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo David Chao, chiến lược gia tại Invesco Asset Management, khả năng Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất sau dữ liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ “làm tăng thêm những trở ngại liên tục đối với các đồng tiền châu Á… Đây có thể là cơ hội để mua khi giá thấp đối với các tài sản rủi ro trong khu vực”.

Tin bài liên quan