Chính quyền Indonesia, quê nhà của 6% người dùng Facebook trên toàn cầu, hoàn toàn không hài lòng với hoạt động của doanh nghiệp mạng xã hội này. Thậm chí, giới chức nước này đã lên tiếng đe dọa sẽ đóng cửa dịch vụ của Facebook sau scandal lộ thông tin cá nhân mới đây của doanh nghiệp.
Điều này dường như là một mối đe dọa lớn, nhưng thực chất không phải vậy. Tại Indonesia, cũng như hàng loạt quốc gia đang phát triển khác, Facebook không chỉ là một nền tảng cộng đồng để cập nhật ảnh, tin tức, nó còn trở thành kênh buôn bán quan trọng bậc nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ người bán tiếp cận người mua.
Từ châu Á cho tới châu Phi, các quốc gia này đang dần nhận ra sự thực, họ đang cần Facebook nhiều hơn so với Facebook cần họ.
Người dân tại các quốc gia đang phát triển đã hình thành thói quen tìm kiếm và mua sắm mọi thứ qua Facebook, từ thực phẩm cho tới đồ gia dụng, thậm chí cả bất động sản. Trong năm 2018, sẽ có khoảng 550 triệu người sử dụng nền tảng này để “mua và bán các sản phẩm trong cộng đồng”.
Thực tế, tại các nền kinh tế đang phát triển, môi trường như Facebook trở thành nơi tập trung đông đúc, đồng thời cũng là cách tốt nhất để tiến hành hoạt động kinh doanh. Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, 30% các thương vụ mua bán online tại Đông Nam Á được thực hiện thông qua mạng xã hội này trong năm 2016. Tại Việt Nam, 34% các hoạt động kinh doanh được điều hành chủ yếu qua Facebook và gần đây, chính quyền đã thông báo sẽ tiến hành đánh thuế đối với 13.500 nhà bán lẻ trên trang mạng này. Trong khi đó, tại Thái Lan, hơn một nửa các thương vụ mua bán online được thực hiện bằng Facebook.
Không riêng châu Á, việc Facebook biến thành một trang thương mại điện tử đã là một hiện tượng toàn cầu. Một khảo sát của GeoPoll đối với người dân có thói quen mua sắm online tại Kenya, Nigeria và Nam Phi cho thấy, 32% câu trả lời gọi tên Facebook là website mua sắm ưa thích nhất, chỉ xếp sau Jumia, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất châu Phi.
Tại một số ngành công nghiệp, chẳng hạn đồ điện tử cũ, hoạt động kinh doanh gần như chỉ được thực hiện qua Facebook. Điển hình, người bán tìm ra các món đồ cũ, đăng ảnh, thực hiện thỏa thuận với khách hàng qua Facebook Messenger và sắp xếp thanh toán, vận chuyển tới người mua.
Sở dĩ diễn biến này xảy ra, bởi thương mại qua mạng xã hội đang giải quyết được hai vấn đề chính đối với các thị trường đang phát triển. Đầu tiên, mạng xã hội cung cấp cho các doanh nhân nhỏ cách kinh doanh với chi phí thấp.
Thay vì phải thiết lập một website với chi phí lập và duy trì đắt đỏ, người bán có thể đơn giản lập một tài khoản Facebook, hoặc tham gia vào một cộng đồng mua bán nào đó. Tại các quốc gia như Việt Nam và Ghana, nơi việc “vào mạng” đồng nghĩa với vào Facebook và WhatsApp, điều này tạo nên cách tiếp cận hiệu quả áp đảo so với các doanh nghiệp thương mại điện tử truyền thống khác.
Thứ hai, thương mại qua mạng xã hội là giải pháp hữu hiệu đối với tình trạng gian lận, vốn là điểm yếu của thương mại điện tử tại khu vực này. Thay vì mua một chiếc điện thoại từ một cửa hàng ít tên tuổi nào đó trên website, khách hàng sẽ mua sản phẩm từ một ai đó mà họ biết thông qua mạng xã hội. Niềm tin của người mua được củng cố thêm nhờ có mối quan hệ quen biết, hoặc dựa vào lượng bình luận, đánh giá, lượng like trên Facebook.
Ban đầu, việc thương mại qua mạng xã hội trỗi dậy một cách tình cờ trên Facebook, nhưng sau đó, Công ty đã nhanh chóng chính thức hóa hoạt động này. Năm 2016, Facebook ra mắt nền tảng gọi là Marketplace, nơi cho phép người dùng tìm kiếm các loại hàng hóa được bán tại địa phương và sau đó tiến hành mặc cả bằng Messenger để có giá tốt nhất. Nền tảng này giúp người mua vừa có thể tìm kiếm hàng hóa, vừa so sánh giá, vừa nhanh chóng kết nối với người bán.
Hiện tại, Marketplace đã hiện diện tại 68 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Thái Lan và Philippines. Công ty cũng đã công bố kế hoạch mở rộng hơn nữa hoạt động của Marketplace trong vài tháng tới.
Cùng với hoạt động sẵn có của thương mại điện tử trên Facebook, việc Marketplace trở nên thịnh hành có thể gây thêm những khó khăn hơn nữa cho công tác quản lý của chính quyền các địa phương.
Nếu tác động vào Facebook là đánh động tới các doanh nghiệp nhỏ, thì đây chính là nguyên nhân dễ dàng nhất để gây nên những xung đột, phản kháng. Nhất là khi tại các nền kinh tế đang phát triển, vấn đề thông tin cá nhân không phải là mối lo trước nhất đối với người dùng.