Nhà đầu tư nước ngoài tham quan một buổi đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội

Nhà đầu tư nước ngoài tham quan một buổi đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội

Các thị trường cận biên trở thành tâm điểm năm 2018

(ĐTCK) Dù các thị trường mới nổi đang giành được sự chú ý của giới đầu tư, nhưng 2018 rất có thể là năm dành cho thị trường cận biên, khi các quốc gia như Kuwait, Nigeria, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư chiến lược.

Dần tạo dấu ấn

Đầu năm 2018, tổng giá trị thị trường của các thị trường cận biên đã vượt qua con số 700 tỷ USD lần đầu tiên trong một thập kỷ qua. Bên cạnh đó, nhóm thị trường cận biên đã bắt đầu có màn biểu diễn vượt trội hơn so với các thị trường chứng khoán mới nổi sau 3 năm chịu lép vế.

Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến này xuất phát từ những cải cách ngày càng sâu rộng đang được tiến hành tại các nền kinh tế nhỏ hơn. Chẳng hạn, tại Argentina là đại tu hệ thống thuế, quá trình tư nhân hóa tại Việt Nam tạo động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán, trong khi Nigeria và Morocco đang từng bước tự do hóa thị trường tiền tệ. Những thay đổi tích cực này cổ vũ nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn để nắm giữ cổ phiếu tại những quốc gia này, điều được các nhà đầu tư chuyên nghiệp gọi là “tái định giá”.

“Các nhà đầu tư đang cảm thấy hứng khởi khi rót vốn vào các thị trường cận biên. Thực tế, bối cảnh đầu tư tại các thị trường này có nhiều nét riêng biệt, nhưng những cải cách tích cực tại nhiều quốc gia, nhất là ở thị trường tiền tệ, hoạt động của doanh nghiệp đang là động lực đặc biệt thúc đẩy hoạt động đầu tư”, Tony Hann, Giám đốc đầu tư chứng khoán tại Blackfrias Asset Management Ltd (London) cho biết.

Hiện tại, chỉ số MSCI Các thị trường cận biên đang giao dịch ở P/E 13,2 lần với lợi nhuận ước tính 12 tháng của các công ty, giá trị cao nhất từng được ghi nhận, theo số liệu của Bloomberg. Bên cạnh đó, đây cũng là định giá đắt nhất kể từ tháng 6/2014 so với chứng khoán tại các thị trường mới nổi. Chỉ số MSCI Các thị trường cận biên đã tăng 11 tháng liên tiếp, lập nên kỷ lục mới.

Với diễn biến này, trong năm 2017, không ít nhà đầu tư đã thu về lợi nhuận lạc quan khi tập trung đầu tư vào các thị trường cận biên, trong đó có Tundra Sustainable Frontier Fund, quỹ đầu tư hiện đang quản lý 400 triệu USD. Năm 2017, quỹ này có mức sinh lợi 6,8%, cao hơn 97% các quỹ đầu tư có quy mô tương đương, theo số liệu của Bloomberg. Hiện tại, cổ phiếu của Ai Cập, Việt Nam và Pakistan chiếm 60% lượng cổ phiếu Tundra Sustainable Frontier Fund nắm giữ. Đây cũng là nguyên nhân giúp mang lại hiệu quả tích cực kể trên.

CEO Jon Scheiber của Tundra cho biết, dù các thị trường cận biên vẫn dễ ảnh hưởng từ những thay đổi chính sách của các quốc gia như Mỹ, nhưng nội lực mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng nhanh và dân số đông đúc là yếu tố khiến các nhà đầu tư có thể đặt niềm tin.

Buổi diễn bắt đầu

Không giống như Pakistan – hiện đã trở thành chú cá nhỏ trong biển lớn sau khi được MSCI Inc nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm ngoái, việc Argentina không được nâng hạng biến thành điều may mắn.

Chỉ số tiêu chuẩn Merval Index của Argentina đã tăng 56% kể từ khi MSCI từ chối nâng hạng thị trường này lên mới nổi vào tháng 6/2017, với đánh giá các chính sách của chính phủ nước này chưa thực sự hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như hoạt động đầu tư. Dù trước đó, giới chức chứng khoán quốc gia này đã chấp nhận hoạt động bán khống chứng khoán – động thái nhằm củng cố khả năng được MSCI nâng hạng.

Thực tế cho thấy, việc không được nâng hạng không phải chuyện xấu đối với Argentina, khi thị trường cận biên này đang đón nhận dòng tiền đầu tư tích cực. Nguyên nhân xuất phát từ việc Quốc hội Argentina đã chấp thuận kế hoạch giảm mức thuế mà các doanh nghiệp phải chịu xuống khoảng 10 điểm phần trăm trong 1 thập kỷ tới, bao gồm cả thuế bán hàng. Điều này có thể khiến nguồn thu thuế chịu thiệt tương đương 1,5% GDP trong 5 năm tới, nhưng bù lại sẽ mang tới những lợi ích tích cực nhờ tăng trưởng kinh tế.

“Động thái này không hẳn sẽ giải quyết mọi vấn đề, nhưng không thể phủ nhận nó mang lại những cải thiện dễ nhận thấy. Đây là cuộc cải tổ thuế được đánh giá tích cực nhất trong 30 năm qua”, Cesar Litvin, CEO của Lisicki, Litvin & Asociados, công ty tư vấn thuế tại Buenos Aires nhận định.

Chưa kể, Ngân hàng trung ương Argentina đã nâng mức lạm phát mục tiêu nhằm tạo dư địa cho các chính sách hỗ trợ khôi phục kinh tế. Dự báo, tăng trưởng các khoản nợ có thể đạt 42% trong năm nay.

Củng cố thị trường tài chính

Nếu cải tổ thuế là điểm sáng tạo nên lực hút của thị trường cận biên Argentina thì với Kuwait, lực hấp dẫn xuất phát từ tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận ngân hàng. Theo đó, cổ phiếu nhóm ngân hàng tại Kuwait đang tiến tới tháng có mức tăng mạnh nhất trong 1 năm qua, khi giới đầu tư đánh cược rằng quốc gia này sẽ được hưởng lợi lớn nhất so với các nền kinh tế cùng nhóm từ quá trình bình thường hóa lãi suất trên toàn cầu.

Tương tự, tại Nigeria, thị trường chứng khoán có màn biểu diễn ấn tượng nhất trên thế giới trong năm 2017, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng được nhận định sẽ mang lại cơ hội lớn cho giới đầu tư.

Hiện tại, từ Morocco cho tới Nigeria, các nhà quản lý đang dần nới lỏng dây cương, cho phép đồng nội tệ có những chuyển động tự do hơn. Động thái này là bước nối tiếp các quốc gia như Kazakhstan, Argentina và Hy Lạp trong vài năm trở lại đây, giúp giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư khi chuyển lợi nhuận kiếm được về nước

Những chú hổ châu Á mới

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã được hưởng lợi gián tiếp từ việc Pakistan trở thành thị trường mới nổi. Nếu như Pakistain trở thành điểm đến kém hấp dẫn hơn trong nhóm mới, thì Việt Nam lại chứng kiến lực hút của mình ngày càng mạnh mẽ. Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm tỷ trọng 13,7% trong chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi, giữ vị trí thứ ba. Chỉ số VN-Index đã tăng liên tiếp trong 6 năm, đánh dấu bước nhảy vọt 48% trong năm 2017. Thậm chí, riêng trong tháng 1/2018, chỉ số này đã tăng 6,7%.

Mặc dù có những ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước tiến khá xa, Hann cho rằng, quốc gia này vẫn giữ vững vị trí là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư, khi đang là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 6,7% năm 2019.

Cùng chung quan điểm, Scheiber nhận định, các quốc gia như Việt Nam và Pakistan đang có lợi thế của “người đi sau” và có thể tận dụng tốt cơ hội này để phát triển. Điều này tương tự như những gì từng xảy ra với Nga và Brazil trong 2 – 3 thập kỷ qua. Theo đó, không riêng Tundra Sustainable Frontier Fund, nhiều quỹ đầu tư tập trung vào các thị trường cận biên khác vẫn sẽ để mắt tới Việt Nam.

“Giá cổ phiếu tại Việt Nam đã trở nên đắt hơn, nhưng phần lớn chỉ là các cổ phiếu blue chip. Bên cạnh khoảng nửa tá cổ phiếu của các công ty hàng đầu, dường như các cổ phiếu còn lại vẫn chưa được khám phá hết. Đây là cơ hội rất hấp dẫn và sẽ tạo nên câu chuyện trong dài hạn”, Scheiber nói.

Tin bài liên quan