Người ta thường nói về việc mua nhà ở London hay New York rất đắt. Tuy nhiên, châu Á mới có nhiều thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc), người dân sẽ phải mất hơn 30 năm với thu nhập trung bình để mua một căn hộ 90m2. Đây là kết quả khảo sát về giá nhà so với thu nhập của Oxford Economics trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc cho thuê tại Mumbai, Thượng Hải, Bắc Kinh và Delhi cũng "cực kỳ thấp". Tại cả 4 thành phố này, lợi nhuận cho thuê năm 2016 còn thấp hơn lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, cho thấy thị trường bất động sản đang gặp nhiều vấn đề. Việc này không diễn ra tại các địa điểm như Tokyo, Sydney, New York hay Seoul.
Tỷ lệ giá nhà trên thu nhập tại các thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
"Chúng tôi dự báo giá nhà tăng sẽ hạ nhiệt dần trong những năm tới tại châu Á, một số thị trường có thể giảm mạnh", hai nhà kinh tế học Tianjie He và Louis Kuijs cho biết trong báo cáo. Ngoài việc nguồn cung tăng lên, chính quyền nhiều thành phố nỗ lực hạ nhiệt, thay đổi về lãi suất trên toàn cầu cũng sẽ gây áp lực giảm lên giá nhà.
Chính sách lãi suất thấp duy trì suốt thập kỷ qua đã làm tăng giá nhà trên khắp thế giới. Tuy nhiên, việc Mỹ và một số nước khác tăng lãi suất sẽ khiến vay mua nhà đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi cũng có thể hút tiền về Mỹ, ảnh hưởng phần nào đến giá bất động sản tại châu Á.
Báo cáo nhận định trong dài hạn, mức sống tăng lên và cấu trúc dân số thay đổi vẫn sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà đất tại nhiều thành phố lớn ở châu Á, đặc biệt là tại các nền kinh tế kém phát triển hơn. Việc này sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, dân số Seoul và Tokyo có thể đi xuống trong 8 năm tới, khiến nhu cầu nhà đất tại đây giảm theo.