Ủy ban Công bằng thương mại Hàn Quốc cho biết, Ban Giám sát tập đoàn lớn trực thuộc Ủy ban sẽ bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 12 tới, nhằm kiểm tra xem liệu các chaebol có đang sử dụng quỹ từ thiện của mình để duy trì quyền lực, đồng thời tránh nộp hàng tỷ USD tiền thuế hay không.
“Nếu các quỹ bị phát hiện đang lạm dụng khả năng của mình để thực hiện các hành vi không đúng mực, chúng tôi sẽ cân nhắc các biện pháp xử lý. Chúng tôi sẽ xem xét những quỹ từ thiện này đang sở hữu những loại tài sản nào, doanh thu ra sao và họ thực sự dành bao nhiêu cho hoạt động vì cộng đồng”, Kim Sang-jo, Chủ tịch Ủy ban Công bằng thương mại, người được mệnh danh “tay bắn tỉa các chaebol” cho biết.
Kim Sang-jo là người được Tổng thống Moon Jae-in lựa chọn trở thành “quân tiên phong” cho các hoạt động cải cách.
Ông Kim được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Công bằng thương mại vào tháng 5/2017, ngay sau khi ông Moon đắc cử Tổng thống. Vào đầu tháng 11, ông đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo 5 tập đoàn lớn gồm Samsung, Hyundai, SK Group, LG Group và Lotte, với lời cảnh bảo rằng, cơ quan này sẽ bắt đầu thanh tra các quỹ từ thiện, cũng như hoạt động kinh doanh của các chaebol.
Kim Sang-jo cam kết sẽ chấn chỉnh lại nếu các quỹ từ thiện đang nhận được lợi ích thuế và trừng phạt những hoạt động đi ngược lại mục tiêu vì cộng đồng.
Các quỹ từ thiện do những tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc tạo lập đang nắm giữ 12.900 tỷ won (11,5 tỷ USD), theo số liệu của cơ quan thuế quốc gia. Từ lâu, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh hoạt động và các khoản đóng góp của những quỹ này.
Theo các nhà làm luật Hàn Quốc, các tổ chức này cho phép những gia đình quyền lực và giàu có tại Samsung Group, Hyundai Motor Group, Lotte Group, cũng như nhiều công ty khác làm giàu hơn cho chính mình, trong khi trốn trách trách nhiệm thuế. Hiện tại, Top 10 chaebol đang sở hữu hơn 27% tổng tài sản của mọi hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc.
Trong năm 2016, 40 quỹ từ thiện của các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đã trao tặng 641 tỷ won, tương đương 4,9% trong tổng số tài sản 12.900 tỷ won của mình cho các viện bảo tàng nghệ thuật, bệnh viện, trường học và các chương trình nhân đạo. Park Yong-jin, một thành viên Quốc hội cho rằng, con số này là chưa đủ thuyết phục về cách sử dụng tài sản một cách đúng đắn của các tổ chức từ thiện.
Dù không phải là một bộ phận chính thức của các tập đoàn, nhưng các tổ chức từ thiện thường được điều hành bởi các thành viên trong gia đình hoặc nhóm lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp.
Đồng thời, “các công ty quyên góp bằng những cổ phiếu có quyền biểu quyết cho các quỹ từ thiện nhằm bảo vệ quyền điều hành của mình và không phải đóng thuế”, Bruce Lee, CEO Zebra Investment Management cho biết. Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp buộc phải bán ra cổ phần, các quỹ từ thiện này sẽ âm thầm mua lại, nhằm giữ quyền kiểm soát doanh nghiệp trong phạm vi gia đình.
Một trong những scandal lớn nhất liên quan tới các tổ chức từ thiện của tập đoàn lớn là việc cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị bãi nhiệm trong tháng 3/2017.
Bà Park Geun-hye bị buộc tội đã tạo sức ép khiến lãnh đạo các tập đoàn quyên góp hàng tỷ won cho các quỹ từ thiện được điều hành bởi bạn thân của mình để đổi lấy ưu ái từ Chính phủ.