Các tập đoàn dầu khí nhảy vào cuộc đua lithium

Các tập đoàn dầu khí nhảy vào cuộc đua lithium

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các tập đoàn dầu khí đẩy mạnh nỗ lực phát triển nguyên liệu quan trọng trong pin xe điện kỳ vọng hưởng lợi từ đột phá công nghệ có khả năng thay đổi cuộc chơi.

Những tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp dầu khí bao gồm ExxonMobil, Schlumberger, Occidental Petroleum và Equinor đang tích cực tìm hiểu quy trình khai thác và xử lý nguyên liệu lithium từ nguồn nước muối. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh đang tăng tốc, nhưng nguyên liệu lithium, thành phần cần thiết của pin xe điện đang được dự báo sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu trong những năm tới.

Brian Menell, CEO của TechMet, một quỹ đầu tư tập trung vào ngành khai khoáng, cho biết: Có một số tập đoàn dầu khí lớn đang dành nhiều thời gian và tâm huyết vào việc làm thế nào họ có thể trở nên lớn mạnh trong lĩnh vực lithium.

Động thái lấn sang lĩnh vực khai thác lithium diễn ra khi các nhà sản xuất dầu mỏ từ ExxonMobil và Chevron của Mỹ cho đến Equinor và BP ở châu Âu tìm cách duy trì lợi nhuận trong khi nỗ lực hạn chế khí thải và chuyển đổi kinh doanh từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh.

Việc các công ty dầu mỏ tập trung vào nguyên liệu lithium sẽ cung cấp nguồn cung cần thiết để điện khí hóa phương tiện trong thập kỷ tới khi các nước phương Tây cấm bán ô tô chạy bằng năng lượng đốt trong cũng như trào lưu sử dụng phương tiện chạy điện bùng nổ ở Trung Quốc.

Nhưng hoạt động ở lĩnh vực lithium của các công ty dầu mỏ cho đến nay vẫn chỉ mang tính đầu cơ. Họ cũng chỉ mua quyền khai thác các nguồn lithium tiềm năng và nắm giữ cổ phần thiểu số trong các công ty lithium thông qua các liên doanh và thỏa thuận cấp phép công nghệ khai thác.

Gần đây, ExxonMobil đã chi khoảng 100 triệu USD để được cấp phép khai thác ở mỏ dầu chứa lithium nằm ở khu vực Smackover thuộc bang Arkansas. Trong khi đó, năm 2021, Equinor đã mua cổ phần của Lithium de France, công ty khai thác lithium của Pháp vào năm 2021.

Tăng trưởng nguồn cung lithium trong những năm qua được thúc đẩy bởi sự gia tăng các nguồn tài nguyên đá muối của Úc và Trung Quốc bên cạnh hoạt động hoạt khai thác lithium từ nước muối đặc ở khu vực Mỹ Latin.

Tuy nhiên, đóng góp trong tương lai của nước muối với tham gia của các công dầu mỏ, phụ thuộc vào sự phát triển thương mại của phương pháp chiết xuất lithium trực tiếp (DLE), một công nghệ chưa được chứng minh ở quy mô lớn nhằm loại bỏ có chọn lọc khoáng chất lithium màu trắng bạc ra khỏi hỗn hợp muối.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, đây là một công nghệ có khả năng thay đổi cuộc chơi, tương đương với việc fracking (thủy lực cắt phá) dầu để tạo ra lithium.

Công nghệ này có thể giúp tăng tốc độ khai thác lithium từ vài tháng xuống còn vài ngày, với tỷ lệ sản xuất lithium trung bình từ 60-80%.

Thành công đối với DLE, vốn đã được Công ty chế biến lithium Livent sử dụng ở Argentina từ năm 1998 và trong một số dự án ở Thanh Hải, Trung Quốc, sẽ mở ra khả năng các công ty dầu mỏ chiết xuất lithium từ nước thải tại các mỏ dầu và tại các dự án năng lượng địa nhiệt có nước muối tại chỗ.

Công ty tư vấn dầu mỏ Enverus cho rằng, cơ hội tiềm năng trị giá hàng tỷ USD đang chờ đợi các nhà đầu tư của công nghệ DLE. Enverus ước tính nước thải trong quá trình khoan thủy lực để khai thác dầu đá phiến ở một phần của lưu vực Permian ở Texas và New Mexico có thể tạo ra 225.000 tấn lithium carbonat mỗi năm và thu về khoảng 19 tỉ USD doanh thu.

Ahmed Mehdi, cố vấn của Benchmark Mineral Intelligence cho chiến, lược lithium cho các công ty dầu mỏ, dự báo đóng góp của công nghệ DLE vào nguồn cung lithium có thể tăng từ 10% hiện nay lên 15-20% vào năm 2030.

Tuy nhiên, quy mô thị trường của lithium vẫn nhỏ bé so với dầu mỏ. Ngay cả với các giả định về tăng trưởng và định giá lạc quan, thị trường lithium toàn cầu chỉ có thể đạt giá trị 150 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 so với quy mô thị trường dầu mỏ 2.600 tỷ USD mỗi năm hiện tại. Điều đó có thể cản trở các công ty dầu mỏ đầu tư lớn vào lithium.

Tin bài liên quan