Các tập đoàn công nghệ lớn khuyên doanh nghiệp 'lên mây' để khai phóng tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
Tại ViettelDX 2023 do Viettel Solutions tổ chức, các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chia sẻ giải pháp giúp thu thập, phân tích và tối ưu giá trị của dữ liệu số, từ đó giúp doanh nghiệp khai phóng tiềm năng của chính mình.

Tại sao nên rời bỏ “nơi quen thuộc” - hạ tầng cũ?

Những năm gần đây, chuyển đổi từ hạ tầng cũ lên nền tảng điện toán đám mây có thể mang tới những đột phá cho doanh nghiệp. Những lợi thế điển hình của việc “lên mây” như khả năng triển khai linh hoạt, với hạ tầng sẵn có đáp ứng nhu cầu từ vài chục tới hàng trăm nghìn người dùng, chi phí đầu tư ban đầu thấp với môi trường bảo mật cao….

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cũng khẳng định cloud không phải bức tranh toàn màu hồng. Bản thân doanh nghiệp cũng cần xác định rõ các nhu cầu và mong muốn từ chính điều kiện thực tế trước khi lựa chọn được mô hình “lên mây” phù hợp. Ngoài ra, ngân sách cho tiến trình chuyển đổi và đối tác đồng hành cũng là những yếu tố quyết định thành – bại của cả quá trình.

Data Lakehouse và kinh nghiệm khai thác “mỏ vàng” của Viettel

Ông Đoàn Thanh Tám, Phó trưởng ban CNTT Tập đoàn Viettel, chia sẻ: trong kỷ nguyên số, làm sao để khai thác được “mỏ vàng” dữ liệu là bài toán then chốt. Ra quyết định dựa trên số liệu là cách làm nhanh, chính xác và không cảm tính. Khai thác tốt dữ liệu cũng giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng, tối ưu vận hành, phát hiện gian lận, quản lý rủi ro, tối ưu chi phí, gia tăng doanh thu….

Ông Đoàn Thanh Tám, Phó trưởng ban CNTT Tập đoàn Viettel.

Ông Đoàn Thanh Tám, Phó trưởng ban CNTT Tập đoàn Viettel.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp bắt đầu tiến trình chuyển đổi số , tình trạng thường gặp nhất là dữ liệu phân mảnh, giống như các ốc đảo, không thể liên kết. Các vấn đề khác có thể nảy sinh như dữ liệu chưa đáng tin cậy do nguồn đầu vào chưa đạt chuẩn. Đây cũng chính là những vấn đề mà Tập đoàn Viettel đã gặp phải trong tiến trình chuyển đổi số, dẫn tới yêu cầu phải đưa kiến trúc Data Lakehouse vào tiến trình khai thác dữ liệu.

Data Lakehouse là một kiến trúc quản lý dữ liệu mở, mới, kết hợp tính linh hoạt, hiệu quả về chi phí và quy mô của các Data Lakes với việc quản lý dữ liệu và giao dịch ACID của Data Warehouse, cho phép kích hoạt Business Intelligence (BI) và Machine Learning (ML) trên tất cả dữ liệu.

Tại Viettel, Data Lakehouse đang chứng mình được vai trò trong 3 lĩnh vực chủ chốt. Với viễn thông, dữ liệu được sử dụng để đưa ra các gợi ý khuyến mại mang tính cá nhân hóa, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, dự đoán nguy cơ lỗi, hỏng thuê bao hay dự đoán lưu lượng data…. Trong lĩnh vực Fintech, dữ liệu giúp kích hoạt tiêu dùng , giữ chân khách hàng và tăng lượng kích hoạt. Trong lĩnh vực logistic, Viettel có thể tối ưu vị trí đặt hub, phân tích khách hàng tiềm năng, tối ưu đường vận chuyển….

Giải pháp an ninh mạng từ Viettel

Các chuyên gia hàng đầu cũng khẳng định việc “lên mây”, dù có nhiều lợi thế, nhưng cũng để lộ ra những mối đe dọa, thách thức về an ninh, an toàn thông tin. Tuy nhiên, nếu sợ mà không làm thì các doanh nghiệp có khả năng đánh mất lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Từ thực tế đó, ông Lê Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Viettel, cho rằng việc tìm được một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây có đầy đủ năng lực về hạ tầng và trình độ an ninh mạng chính là yếu tố then chốt.

Ông Lê Quang Huy Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Viettel.

Ông Lê Quang Huy Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Viettel.

“Viettel vừa là nhà cung cấp Internet băng thông lớn, vừa cung cấp dịch vụ an toàn thông tin với hơn 100 khách hàng trong nước và quốc tế. Chúng tôi tự tin và đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp”, ông Lê Quang Huy chia sẻ.

Mô hình điện toán đa đám mây và giải pháp từ DELL Technologies Việt Nam

Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, tiến trình chuyển đổi số, đưa dữ liệu lên nền tảng điện toán đám mây đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các dịch vụ khác nhau từ những nhà cung cấp khác nhau bởi không một nhà cung cấp cloud nào trên thế giới cung cấp đầy đủ các dịch vụ đáp ứng toàn bộ nhu cầu của khách hàng.

Ông Nguyễn Quang Huy - Kiến trúc sư giải pháp DELL Technologies Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Huy - Kiến trúc sư giải pháp DELL Technologies Việt Nam

Chính điều này làm nảy sinh việc không tương thích giữa dịch vụ của nhà cung cấp. Nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị kỹ càng cho hành trình sử dụng Multi Cloud về chiến lược, về con người và năng lực sử dụng, tiến trình chuyển đổi số có thể phức tạp hơn.

Ông Nguyễn Quang Huy - Kiến trúc sư giải pháp DELL Technologies Việt Nam, cho biết DELL đã phát triển bộ giải pháp APEX – được thiết kế với triết lý “Multi Cloud by designed” nhằm xóa đi sự không đồng nhất giữa các nền tảng điện toán đám mây mà khách hàng đang sử dụng. Triển khai theo mô hình cho thuê, bộ giải pháp APEX của DELL trở nên dễ tiếp tiếp cận với mức chi phí phù hợp cho doanh nghiệp.

“Giải pháp của chúng tôi có cách thức vận hành đơn giản, giao diện quản trị nhất quán. Khách hàng không cần đầu tư chi phí lớn để mua mà có thể thuê theo nhu cầu”, ông Huy chia sẻ.

Luồng gió mới từ AI tạo sinh trên Azure OpenAI của Microsoft

Một trong những lợi thế của doanh nghiệp khi “lên mây” chính là cơ hội được tiếp cận những công nghệ mới nhất với mức chi phí hợp lý, điều họ khó có thể đạt được nếu tự xây dựng một hạ tầng dữ liệu của chính mình.

Trong kỷ nguyên AI bùng nổ với ChatGPT của OpenAI – một công ty mà Microsoft hợp tác chặt chẽ và ủng hộ, khách hàng cũng ngay lập tức được hưởng lợi từ việc tạo ra các ứng dụng AI tạo sinh.

Ông Nguyễn Thế Anh, chuyên gia cấp cao về dữ liệu và AI của Microsoft Việt Nam, cho biết sự ra đời của ChatGPT khoảng 1 năm trước đã khiến sự quan tâm tới AI tăng mạnh. Và nó cũng khiến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống hàng ngày không còn là kịch bản viễn tưởng.

Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, hiện tại ChatGPT-4 Turbo đã ra đời với những tính năng vượt trội, như hỗ trợ số lượng token lên đến 128K, giúp phát triển nhiều ứng dụng hơn, giá thành rẻ hơn cùng khả năng phân tích hình ảnh, điều mà các phiên bản trước đó chưa làm được. Và đây chính là nền tảng để các doanh nghiệp có những AI tạo sinh của riêng mình.

“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái này, tự xây dựng AI tạo sinh của riêng mình dựa trên chính những dữ liệu và nhu cầu giải quyết công việc hàng ngày. Microsoft định nghĩa những công cụ này là Copilot. Chúng tôi có công cụ để hỗ trợ việc xây dựng những Copilot này cho nội bộ doanh nghiệp hay cho khách hàng. Azure OpenAI Service cam kết bảo mật ở mức cao nhất”, ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

Tin bài liên quan