Dữ liệu lạm phát của Mỹ
Thước đo lạm phát yêu thích của Fed - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - được công bố vào thứ Sáu (31/5) sẽ được theo dõi chặt chẽ để tìm manh mối về hướng lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay.
Dữ liệu này được đưa ra khi các thị trường đang dần chấp nhận câu chuyện về lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sau biên bản họp của Fed tuần trước, cùng với những nhận xét có vẻ thận trọng từ các nhà hoạch định chính sách bày tỏ nghi ngờ liệu lạm phát có thực sự đang trên một quỹ đạo giảm đáng tin cậy hay không.
Các nhà kinh tế kỳ vọng chỉ số PCE cơ bản loại trừ giá thực phẩm và năng lượng sẽ tăng 0,2% trong tháng 4. Điều này sẽ đánh dấu mức tăng nhỏ nhất từ đầu năm đến nay và ủng hộ lập trường hướng tới hạ lãi suất của Fed.
Các nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội được nghe ý kiến từ một số diễn giả của Fed trong tuần bao gồm Thống đốc Michelle Bowman, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester, Thống đốc Lisa Cook, Chủ tịch Fed New York John Williams và Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic.
Lạm phát khu vực đồng euro
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, sẽ giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục 4% trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 6, nhưng vẫn còn phải xem xét mức độ cắt giảm lãi suất nhanh như thế nào sau đó, đặc biệt nếu dữ liệu lạm phát được công bố vào thứ Sáu (31/5) cho thấy áp lực giá vẫn không ổn định.
Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát khu vực đồng euro sẽ tăng 2,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 2,4% trong tháng 4, trong khi lạm phát cơ bản được giữ ổn định ở mức 2,7%.
Dữ liệu lạm phát của Nhật Bản
Dữ liệu lạm phát tại Tokyo vào thứ Sáu (31/5) sẽ được theo dõi chặt chẽ khi thị trường cố gắng đánh giá khi nào Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tăng lãi suất tiếp theo.
Các số liệu này được đưa ra hai tuần trước cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của BOJ, trong đó một số nhà phân tích đang đặt cược rằng ngân hàng trung ương có thể thực hiện đợt tăng lãi suất thứ hai sau động thái lịch sử vào tháng 3.
Các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với áp lực tăng lãi suất trong bối cảnh đồng yên tiếp tục yếu đi, gây tổn hại đến tiêu dùng do chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô tăng cao.
Hôm thứ Sáu (31/5), Bộ Tài chính Nhật Bản cũng sẽ công bố dữ liệu can thiệp bao gồm các đợt can thiệp bị nghi ngờ gần đây và lịch trình mua trái phiếu của BOJ, trong đó các nhà giao dịch sẽ chú ý đến việc cắt giảm lượng mua trái phiếu của ngân hàng trung ương.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu về lợi nhuận công nghiệp từ đầu năm đến nay vào thứ Hai (27/5), trong khi những người theo dõi thị trường mong muốn xem liệu lợi nhuận có phục hồi trong tháng 4 hay không sau khi mức giảm mạnh trong tháng trước đã làm chậm tốc độ tăng trong ba tháng đầu năm xuống còn 4,3%.
Trung Quốc sẽ công bố chỉ số PMI sản xuất và phi sản xuất vào thứ Sáu (31/5). Các nhà kinh tế dự kiến chỉ số sản xuất sẽ duy trì ngay trên ngưỡng 50 - ranh giới giữa tăng trưởng và thu hẹp trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 5.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng khoảng 5% trong năm nay, mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ là một thách thức phải đáp ứng khi sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu tiêu dùng ảm đạm vẫn là lực cản đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giá dầu
Giá dầu ghi nhận mức giảm hàng tuần trong tuần qua do lo ngại rằng dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ sẽ khiến lãi suất tăng trong thời gian dài hơn và làm hạn chế nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu Brent đóng cửa giảm 2,1% trong khi dầu thô WTI giảm 2,8% trong tuần qua.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay, có thể làm chậm hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu về dầu.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết nhu cầu dầu vẫn mạnh mẽ từ góc độ rộng hơn, đồng thời kỳ vọng tổng mức tiêu thụ dầu lỏng sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay.
Trong khi đó, thị trường đang chờ đợi cuộc họp chính sách của OPEC+ vào ngày 2/6 để thảo luận về việc có nên gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày hay không.