Dữ liệu lạm phát của Mỹ
Các nhà đầu tư sẽ xem xét dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tuần này để tìm dấu hiệu cho thấy áp lực giá đã giảm bớt sau nhiều tháng lạm phát mạnh làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Thị trường đã phần nào nhẹ nhõm vào đầu tháng này khi Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ ra rằng ngân hàng trung ương vẫn đang tìm cách cắt giảm lãi suất và báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường lao động.
Các nhà phân tích kỳ vọng báo cáo CPI quan trọng được công bố vào thứ Tư (15/5) sẽ cho thấy lạm phát cơ bản tăng 3,6% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, và sẽ là mức tăng nhỏ nhất trong hơn ba năm. Nhưng dữ liệu này vẫn có thể chưa đủ sớm để xoa dịu các nhà hoạch định chính sách Fed, vì các quan chức muốn có bằng chứng lạm phát đang chậm lại một cách nhất quán khi họ tranh luận về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, chỉ số lạm phát cao hơn dự kiến có thể sẽ ảnh hưởng đến việc cắt giảm lãi suất trong thời gian còn lại của năm, khơi dậy sự biến động của thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ phát biểu vào thứ Ba (14/5) tại một sự kiện của các ngân hàng trung ương nước ngoài ở Amsterdam.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố một chuỗi dữ liệu kinh tế vào thứ Sáu (17/5), dữ liệu sẽ cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hoạt động như thế nào vào đầu quý II.
Dữ liệu giá nhà tháng 4 sẽ cung cấp những thông tin mới về tình trạng của lĩnh vực bất động sản sau khi chìm trong cuộc khủng hoảng nợ trong khoảng ba năm nay, khiến các nhà phát triển bất động sản đứng trên bờ vực phá sản.
Trong khi đó, dữ liệu sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định dự kiến sẽ cho thấy đang tăng tốc so với cùng kỳ.
Dữ liệu kinh tế Anh
Tuần trước, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất, nhưng thị trường vẫn còn chia rẽ về việc liệu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra tại cuộc họp tiếp theo của BoE vào tháng 6 hay liệu các nhà hoạch định chính sách sẽ trì hoãn lâu hơn hay không.
Dữ liệu việc làm chính thức và hai đợt công bố số liệu lạm phát sẽ được công bố trước cuộc họp tiếp theo của BoE vào ngày 20/6.
Báo cáo việc làm được công bố vào thứ Ba (14/7) sẽ được theo dõi chặt chẽ để tìm các dấu hiệu cho thấy việc tăng lương đang thúc đẩy áp lực giá cả. Tăng trưởng lương hàng năm vẫn còn nóng, trong khi nguồn cung lao động đang trì trệ.
Mặt khác, Ủy ban Châu Âu sẽ công bố dự báo kinh tế cho khu vực vào thứ Tư (15/5), bao gồm các dự báo về tăng trưởng, lạm phát, nợ và thâm hụt.
Giá dầu
Giá dầu ít thay đổi trong tuần qua, với giá dầu Brent giảm 0,2% trong khi giá WTI tăng 0,2%.
Kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn đã gây áp lực lên giá dầu vì lãi suất cao hơn thường làm chậm hoạt động kinh tế và làm suy yếu nhu cầu dầu.
Đồng đô la Mỹ mạnh hơn cũng gây áp lực, khiến hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Giá dầu cũng bị áp lực bởi lượng nhiên liệu tồn kho của Mỹ tăng cao khi bước vào mùa lái xe mùa hè thường sôi động.
Mặt khác, thông tin Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều dầu hơn trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái đã góp phần hỗ trợ thêm thông tin tích cực cho giá dầu. Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong tháng 4 sau khi giảm trong tháng trước.
Các nhà giao dịch năng lượng cũng sẽ xem xét dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần này để xác định xu hướng của lãi suất trong tương lai.