Cuộc họp mùa xuân của IMF/WB
Từ ngày 15/4 đến 19/4, các quan chức tài chính thế giới sẽ tập trung tại Washington để tham dự các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và G20. Trong đó các vấn đề chính mà các quan chức sẽ phải đối mặt là tình trạng tăng trưởng chậm lại, lạm phát dai dẳng, lãi suất và mức nợ cao cũng như những rủi ro địa chính trị làm rung chuyển thị trường tài chính thế giới.
Bloomberg Economics hiện dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay xuống còn 2,9% - tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 12 - nhưng vẫn "thấp hơn nhiều" so với tốc độ trước đại dịch.
Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva đã ra tín hiệu rằng IMF cũng sẽ tăng nhẹ dự báo sẽ được công bố vào thứ Ba (16/4) từ mức 3,1% hiện tại, đồng thời cảnh báo rằng thế giới đang hướng tới “một thập kỷ chậm chạp và đáng thất vọng”.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ những người tham dự chủ chốt tại các cuộc họp. Các diễn giả theo lịch trình bao gồm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt, và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Anh (BoE).
Các cuộc xung đột ở Nga-Ukraine và căng thẳng đang leo thang nhanh chóng ở Trung Đông xoay quanh một số nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất thế giới, đang đẩy giá năng lượng lên cao hơn, một dấu hiệu đáng lo ngại đối với những người chống lạm phát.
IMF đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phân mảnh do yếu tố địa chính trị của nền kinh tế toàn cầu.
“Chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa vì đây là một thế giới đa dạng hơn. Và đó là một thế giới mà chúng ta đã chứng kiến sự khác biệt, không chỉ về vận may kinh tế mà còn về các mục tiêu”, Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva cho biết.
Trọng tâm của các cuộc họp trong tuần cũng sẽ là tình trạng nợ nần trầm trọng ở một số quốc gia thị trường mới nổi sau khi đã đẩy mạnh đi vay trong thời kỳ tiền rẻ trong gần hai thập kỷ.
“So với kỳ vọng rằng cái giá phải trả cho việc kiềm chế lạm phát phi mã sẽ là một đợt suy thoái kinh hoàng, một năm tăng trưởng toàn cầu chậm lại ở mức khiêm tốn có vẻ giống như một lối thoát tuyệt vời…Câu hỏi lớn tiếp theo là liệu việc xoay trục của ngân hàng trung ương có bị trì hoãn không? Chúng tôi đã lùi lại lời kêu gọi động thái cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sang tháng 7, nhưng vẫn sớm hơn nhiều so với kỳ vọng của nhiều người trên thị trường”, Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics cho biết.
Giá dầu tăng mạnh do căng thẳng leo thang ở Trung Đông
Kết thúc tuần qua, giá dầu Brent đã vượt mức 90 USD/thùng và đạt mức đạt 91,56 USD/thùng và dầu WTI đạt 87,05 USD/thùng – mức giá cao nhất mà thị trường từng chứng kiến trong gần 7 tháng. Sự gia tăng mạnh mẽ này nhấn mạnh sự nhạy cảm của thị trường dầu mỏ trước tình trạng bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, một khu vực quan trọng đối với nguồn cung dầu toàn cầu.
Sau cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn nhằm vào Israel đêm 13/4, giới chức Iran đã cảnh báo sẽ tiến hành thêm biện pháp giáng trả mạnh mẽ hơn chống Israel cùng các đồng minh nếu như tiếp tục bị khiêu khích.
Các nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể tiếp tục tăng giá nhưng mức tăng thêm có thể phụ thuộc vào cách Israel và phương Tây chọn cách trả đũa.
Một yếu tố khác cần theo dõi sẽ là bất kỳ tác động nào đến việc vận chuyển qua eo biển Hormuz, là nơi khoảng 1/5 tổng lượng tiêu thụ dầu của thế giới đi qua hàng ngày.
Ole Hansen, nhà phân tích tại Ngân hàng Saxo cho biết: “Giá dầu thô đã phản ánh phần bù rủi ro và mức độ mở rộng hơn nữa hầu như chỉ phụ thuộc vào sự phát triển gần Iran xung quanh eo biển Hormuz”.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc đang là tâm điểm chú ý khi dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội quý I sẽ được công bố hôm thứ Ba (16/4) có khả năng cho thấy quốc gia này đang đi đúng hướng để đáp ứng dự báo tăng trưởng 5% chính thức cho năm 2024.
Mức tăng trưởng trong quý I có thể đạt ở mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả vẫn sẽ hỗ trợ cho trường hợp hỗ trợ chính sách nhiều hơn.