Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

(ĐTCK) Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang bước vào quý cuối cùng của năm 2023 với những cơ sở dự kiến để lạc quan rằng cuộc chiến kiểm soát lạm phát đã đạt được những tiến bộ đáng kể.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Phát biểu của Chủ tịch Fed và ECB

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đều sẽ có bài phát biểu trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ xem xét kỹ lưỡng bất kỳ phản ứng nào từ các nhà hoạch định chính sách để có góc nhìn rõ hơn về xu hướng của chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Dữ liệu tuần qua cho thấy lạm phát cơ bản khu vực đồng euro trong tháng 9 đã đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong một năm và vài lạm phát cơ bản của Mỹ cũng tăng ít nhất kể từ năm 2020.

Lãi suất của ECB hiện được dự đoán sẽ không tăng thêm vào tháng 10 và báo cáo lạm phát mới đây có thể bắt đầu làm suy yếu bất kỳ nỗ lực thúc đẩy tăng lãi suất của ECB vào tháng 12.

Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ cùng Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker thảo luận bàn tròn với người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ vào thứ Hai (2/10). Các chủ tịch Fed khu vực Loretta Mester, Raphael Bostic và Mary Daly cũng dự kiến ​​sẽ phát biểu trong tuần này.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ có bài phát biểu chào mừng vào thứ Tư (4/10) tại một hội nghị do ECB tổ chức.

“ECB có lẽ đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Nhiều thước đo lạm phát cơ bản đang giảm xuống, các cuộc khảo sát đang chỉ ra sự suy giảm đáng kể trong hoạt động và việc mở rộng tín dụng yếu hơn so với thời kỳ sâu sắc của cuộc khủng hoảng đồng euro. Tuy nhiên, ECB vẫn sẽ cần thời gian dài để có đủ tự tin để hạ lãi suất”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Dữ liệu từ một số nền kinh tế ở châu Á

Trung Quốc đã bắt đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài nhất trong năm và các quan chức dự đoán lượng du lịch kỷ lục có thể sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang vật lộn để thoát khỏi tình trạng ảm đạm sau đại dịch. Trước đó, dữ liệu PMI được công bố cuối tuần qua cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại lần đầu tiên sau 6 tháng, một dấu hiệu khác cho thấy các bộ phận của nền kinh tế đang dần quay lại xu hướng tăng trưởng.

Dữ liệu tiền lương của Nhật Bản được công bố vào cuối tuần này dự kiến có thể có tác động đến chính sách tiền tệ, và đây cũng là một điểm quan tâm chính cho BOJ.

Số liệu PMI cho tháng 9 từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sẽ được công bố vào thứ Hai (2/10).

Cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+

Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC+ (JTC) sẽ họp vào ngày 4/10 để xem xét các nguyên tắc cơ bản của thị trường và việc tuân thủ sản xuất của từng quốc gia thành viên. Mặc dù OPEC+ không có khả năng điều chỉnh chính sách trong cuộc họp lần này, Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) vẫn có thể triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng khẩn cấp để làm việc đó.

Một số nguồn tin trong OPEC+ cho biết tại cuộc họp tuần này, nhiều khả năng JMMC sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách hiện tại. Một trong các nguồn tin nêu rõ: “Chưa có gì được thảo luận. Đây có thể sẽ là một cuộc họp bình thường và nhấn mạnh vào thỏa thuận OPEC+”.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng mức tăng của giá dầu hiện tại có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sushant Gupta, Giám đốc nghiên cứu lọc dầu châu Á tại Wood Mackenzie cho biết: “Có tất cả các dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể đạt mức 100 USD/thùng trong quý 4”, nhưng cảnh báo rằng, sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu theo mùa sẽ giảm trong quý đầu năm tới sẽ khiến điều này về lâu dài là không bền vững.

Hội nghị thượng đỉnh ADIPEC

Các Bộ trưởng năng lượng và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tập trung tại Abu Dhabi để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ADIPEC, một cuộc họp thường niên nơi đầu tư, sản xuất và thị trường dầu mỏ là những chủ đề nổi bật trong lịch sử lâu dài của diễn đàn.

ADIPEC là hội nghị lớn nhất và toàn diện nhất thế giới dành cho ngành năng lượng. Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 2/10 đến ngày 5/10 để giải quyết một số vấn đề năng lượng cấp bách nhất, thúc đẩy quá trình khử cacbon và đảm bảo hệ thống năng lượng của chúng ta trong tương lai.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh giá dầu thô tăng lên mức 100 USD/thùng, OPEC thắt chặt nguồn cung, nhu cầu đạt mức kỷ lục và mối lo ngại về lạm phát lan rộng khắp thế giới. Nhưng tất cả đều diễn ra trong “bóng tối” của quá trình chuyển đổi năng lượng và vai trò quan trọng của ngành dầu mỏ trong quá trình này.

Hội nghị này không phải là sự kiện dầu mỏ đầu tiên mà quá trình chuyển đổi năng lượng là trọng tâm lớn. Tại Đại hội Dầu khí Thế giới lần thứ 24 (WPC 24) ở Calgary (Cannada) vào tháng trước, những người đứng đầu Saudi Aramco và Exxon Mobil Corp. đã lên tiếng ủng hộ sự thay đổi trên toàn cầu, nhưng dầu mỏ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nhiều thập kỷ tới.

Tin bài liên quan