Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Mỹ bước sang tháng 9 với diễn biến tích cực khi ghi nhận mức tăng mạnh hàng tuần vào tuần trước, trong khi dữ liệu từ Trung Quốc có thể sẽ làm tăng thêm mối lo ngại về triển vọng của nền kinh tế số hai thế giới.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Dữ liệu kinh tế Mỹ

Báo cáo việc tuần qua là báo cáo mới nhất trong một loạt dữ liệu kinh tế chỉ ra rằng nền kinh tế đang hướng tới một cuộc hạ cánh mềm, làm tăng thêm quan điểm rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Vào thứ Tư (6/9), Viện Quản lý Cung ứng của Mỹ sẽ công bố dữ liệu tháng 8 về hoạt động của ngành dịch vụ, trong đó các nhà kinh tế kỳ vọng dữ liệu sẽ giảm nhẹ.

Cùng ngày, Fed sẽ xuất bản Báo cáo Beige Book, trong đó Fed sẽ tóm tắt về tình hình kinh tế hiện tại và đồng thời cung cấp những đánh giá định tính về tình hình kinh tế.

Các nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội được nghe ý kiến từ một số diễn giả của Fed trong tuần tới để có góc nhìn về quan điểm của các nhà hoạch định chính sách đối với nền kinh tế hiện tại.

Thị trường chứng khoán khởi động tháng 9 với diễn biến tích cực

Chỉ số Dow Jones và Nasdaq lần lượt tăng 1,4% và 3,2% trong tuần qua, ghi nhận mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 7. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đã tăng 2,5% trong tuần qua, tuần tốt nhất kể từ tháng 6.

Trong khi đó, báo cáo việc làm được công bố vào cuối tuần qua đã củng cố kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này.

Keith Buchanan, nhà quản lý danh mục đầu tư tại GLOBALT Investments cho biết: “Dữ liệu này khiến Fed trở nên ôn hòa hơn khi chúng ta bước vào mùa thu. Nếu việc thắt chặt kết thúc sớm hơn, điều đó có thể dẫn đến sự phục hồi đáng kể của cổ phiếu”.

Theo công cụ giám sát lãi suất Fed của Investing.com, hợp đồng tương lai lãi suất cho thấy các nhà giao dịch hiện thấy 94% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 19/9 và 20/9.

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc

Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong tuần này có thể chỉ ra rằng sự phục hồi kinh tế ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn mong manh trong bối cảnh nhu cầu suy yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm và cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước ngày càng sâu sắc đã gây thêm áp lực giảm tốc độ tăng trưởng.

Chỉ số PMI dịch vụ Caixin tháng 8 sẽ công bố vào thứ Ba (5/9) và dự kiến sẽ cho thấy tốc độ mở rộng trong lĩnh vực dịch vụ chậm lại một chút.

Dữ liệu thương mại được công bố hôm thứ Năm (6/9) được dự báo sẽ cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu lại giảm trong tháng 8 so với một năm trước đó, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với tháng 7.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng chỉ có cơ hội mong manh để có các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn trong bối cảnh lo ngại về rủi ro nợ gia tăng.

Giá dầu tăng do lo ngại về nguồn cung

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong hơn bảy tháng vào thứ Sáu (1/9), chấm dứt hai tuần sụt giảm trong bối cảnh lo ngại về triển vọng nguồn cung thắt chặt.

Trong tuần qua, giá dầu Brent đã tăng khoảng 4,8%, mức tăng cao nhất trong một tuần kể từ cuối tháng 7. Giá dầu thô WTI tăng 7,2%, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3.

Ả Rập Xê Út dự kiến ​​sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10, kéo dài động thái hạn chế nguồn cung do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) thiết kế nhằm hỗ trợ giá dầu.

Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết: “Có một nhận thức rằng nền kinh tế sẽ không tụt dốc và có dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang ở gần mức cao kỷ lục. Mọi người phải đối mặt với thực tế phũ phàng, lạnh lùng rằng nguồn cung đang ở mức dưới mức trung bình”.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), triển vọng nhu cầu ở Mỹ vẫn mạnh mẽ, với tồn kho dầu thô thương mại giảm 5 trong 6 tuần gần đây nhất.

Quyết định lãi suất của Ngân hàng trung ước Úc (RBA)

RBA dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp thứ ba liên tiếp vào thứ Ba (5/9), sau khi dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự đoán.

Lãi suất hiện đang ở mức cao nhất trong 11 năm là 4,1% sau khi tăng 400 điểm cơ bản kể từ tháng 5/2022. Thị trường đang kỳ vọng đây sẽ là mức lãi suất cao nhất sau khi lạm phát bất ngờ giảm xuống 4,9% so với cùng kỳ vào tháng 7, mức thấp nhất kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 12/2022 ở mức 8,4%.

Ngoài ra, báo cáo việc làm gần đây nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 3,7% trong tháng 7 từ mức 3,5% của tháng trước, làm tăng thêm kỳ vọng RBA sẽ giữ nguyên lãi suất.

Tin bài liên quan