Hội nghị chuyên đề Jackson Hole
Các nhà đầu tư phần lớn đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị chuyên đề Jackson Hole để hiểu rõ hơn về triển vọng kinh tế và lộ trình lãi suất trong tương lai.
Bài phát biểu của ông Powell được ấn định vào thứ Sáu (25/8) được đưa ra sau biên bản cuộc họp tháng 7 của ngân hàng trung ương được công bố vào tuần trước đã cho thấy hầu hết các nhà hoạch định chính sách vẫn lo ngại về rủi ro lạm phát và không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất.
Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào việc liệu ông Powell có tin rằng cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để giảm lạm phát hay liệu đã đạt đủ tiến bộ để giữ nguyên lãi suất hay chưa. Các nhà đầu tư cũng sẽ tìm kiếm bất kỳ manh mối nào về việc liệu Fed có đang cân nhắc triển vọng cắt giảm lãi suất vào năm 2024 hay không.
Thị trường chứng khoán thiếu thông tin hỗ trợ
Không có chất xúc tác chính thúc đẩy thị trường, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào bài phát biểu của ông Powell để tìm manh mối về triển vọng lãi suất trong thời gian tới.
Ba chỉ số cổ phiếu chính của Phố Wall đã kết thúc tuần qua với mức giảm khá đáng kể sau khi một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ khiến các nhà đầu tư quay lưng lại với kỳ vọng cắt giảm lãi suất và đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên cao.
Lo lắng về cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng tồi tệ của Trung Quốc và tác động của chúng đối với nền kinh tế đang suy yếu của đất nước cũng đè nặng lên tâm lý thị trường sau khi nhà phát triển bất động sản China Evergrande Group nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào thứ Năm (17/8).
Thị trường Trung Quốc liên tục đối mặt với nhiều thách thức
Có nhiều kỳ vọng rằng Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản vào đầu tuần này trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản đang bắt đầu lan sang vào hệ thống tài chính.
Trung Quốc đã bất ngờ hạ một số lãi suất cơ bản vào tuần trước, nhưng các nhà phân tích cho rằng các động thái cho đến nay là quá ít và cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực bất động sản cùng với những lo ngại về rủi ro lây lan có thể gây bất ổn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đã suy yếu trong bối cảnh nhu cầu trong và ngoài nước ảm đạm, hoạt động sản xuất đình trệ và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Dữ liệu PMI
Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh sẽ công bố dữ liệu PMI vào thứ Tư (23/8), dữ liệu này có thể cung cấp thông tin chi tiết về việc liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 9 hay không và liệu Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có tiếp tục đưa ra một mức tăng lãi suất lớn hay không.
Chỉ số PMI của Eurozone và Anh đã trượt dốc trong những tháng gần đây, trong bối cảnh lĩnh vực dịch vụ trì trệ cùng với hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ phát biểu tại Hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào thứ Sáu (25/8) khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm manh mối về động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương vào tháng 9.
Vào tháng 7, bà Lagarde cho biết ECB sẽ giữ "tinh thần cởi mở" khi đưa ra các quyết định về lãi suất trong tương lai, đồng thời cho biết các nhà hoạch định chính sách đang "chuyển sang giai đoạn mà chúng ta sẽ phụ thuộc vào dữ liệu".
Giá dầu
Giá dầu đã ghi tuần giảm đầu tiên kể từ tháng 6 vào tuần trước do lo ngại ngày càng tăng về triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ bù đắp cho kỳ vọng thắt chặt nguồn cung do cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út và Nga.
Giá dầu gặp áp lực giảm khi cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng tồi tệ ở Trung Quốc. Trong khi đó, biên bản họp tháng 7 của Fed đã làm tăng lợi suất trái phiếu Kho bạc và giúp đồng đô la có tuần tăng thứ năm liên tiếp, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của hàng hóa đối với người mua ở nước ngoài.
Rob Haworth, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Asset Management cho biết: “Mối lo ngại của các nhà đầu tư vẫn tập trung vào căng thẳng giữa tăng trưởng toàn cầu chậm lại và nguồn cung toàn cầu vẫn khan hiếm. Hiện tại, giá có thể vẫn nằm trong phạm vi bật tăng trở lại nhưng nhu cầu đang bị thách thức khi các nhà đầu tư lo lắng trước dữ liệu kinh tế suy yếu từ Trung Quốc”.