Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dữ liệu lạm phát tháng 7 của Mỹ sẽ là tiêu điểm của thị trường tuần này, bên cạnh đó là các dữ liệu kinh tế từ một số nền kinh tế lớn khác.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Dữ liệu lạm phát của Mỹ

Mỹ sẽ công bố dữ liệu lạm phát tháng 7 vào thứ Năm (10/8), dữ liệu này sẽ cho thấy liệu áp lực giá cả có đang có xu hướng hạ nhiệt hay không và liệu thị trường có đúng khi tin rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ hay không.

Nếu lạm phát thấp hơn dự kiến sẽ khiến nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ ngừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 9 sắp tới sau khi đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng trước.

Vào thứ Sáu (11/8), Mỹ sẽ công bố dữ liệu sản xuất PPI tháng 7, với giá sản xuất lõi dự kiến sẽ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng sẽ được nghe ý kiến từ một số quan chức Fed trong tuần này với sự xuất hiện của Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic và Thống đốc Fed Michelle Bowman.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh

Trong tuần qua, cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều có mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3 do một số nhà đầu tư chốt lời sau 5 tháng tăng điểm mạnh mẽ.

Quỹ đạo ngắn hạn của cổ phiếu có thể phụ thuộc vào việc liệu dữ liệu lạm phát tháng 7 có cho thấy giá tiêu dùng đang điều chỉnh hay không. Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của lợi suất trái phiếu kho bạc, vốn đã làm chao đảo thị trường trong những ngày gần đây khi tăng lên mức cao nhất trong năm sau khi Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+.

Lợi tức trái phiếu kho bạc tăng - được xem là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất thế giới vì chúng được hỗ trợ bởi chính phủ Mỹ - có thể làm giảm nhu cầu đối với cổ phiếu.

Dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố vào cuối tuần qua cho thấy mặc dù tăng trưởng việc làm tiếp tục ở tốc độ vừa phải trong tháng 7 nhưng tăng trưởng tiền lương vẫn nhanh hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

GDP của Anh

Anh sẽ công bố dữ liệu GDP quý hai vào thứ Sáu (10/8), dự kiến ​sẽ cho thấy rằng nền kinh tế nói chung vẫn còn trì trệ. Vào tháng 5, tăng trưởng GDP giảm ít hơn dự kiến trong khi gần như bị đình trệ trong hai tháng trước đó.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm là 5,25% vào tuần trước, mức tăng liên tiếp thứ 14 và cảnh báo rằng chi phí đi vay có thể sẽ ở mức cao trong một thời gian.

Lạm phát của Anh đạt mức cao nhất trong 41 năm là 11,1% vào tháng 10/2022 và đã giảm chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác, vốn ở mức 7,9% trong tháng 6, mức cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào.

Phó Thống đốc BoE Ben Broadbent cho biết việc giữ lãi suất tương đối cao trong thời gian dài là chìa khóa để cắt giảm lạm phát, ngay cả khi BoE nhận thấy nền kinh tế chỉ tăng trưởng tối thiểu trong những năm tới.

Dữ liệu lạm phát Trung Quốc

Trung Quốc sẽ công bố số liệu thương mại vào thứ Ba (8/8), sau đó là dữ liệu lạm phát tháng 7 vào thứ Tư (9/8), dự kiến cho thấy giá tiêu dùng giảm trong bối cảnh lo ngại về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong quý đầu tiên sau khi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong thời kỳ đại dịch bất ngờ được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái, nhưng sự phục hồi đã chững lại trong những tháng gần đây do nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu.

Các nhà chức trách đã đưa ra một loạt các biện pháp chính sách trong những tuần gần đây để hỗ trợ sự phục hồi đang chững lại, mặc dù thông tin chi tiết còn rất hạn chế và các nhà đầu tư đang mong đợi nhiều kích thích hơn nữa.

Dữ liệu khu vực đồng euro

Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Đức sẽ công bố dữ liệu về sản xuất công nghiệp vào thứ Hai (7/8). Báo cáo dự kiến sẽ chỉ ra sự suy giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Nền kinh tế Đức đã đình trệ trong quý II/2023, không đạt được dự báo tăng trưởng khiêm tốn do sức mua yếu, lãi suất cao hơn và số lượng đơn đặt hàng nhà máy thấp, tất cả đều đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro.

Tin bài liên quan