Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dữ liệu lạm phát ở tháng 6 của Mỹ sẽ là thông tin chú ý trong tuần này. Lạm phát toàn phần có thể tiếp tục giảm nhẹ nhưng áp lực giá cơ bản vẫn đang diễn ra với tốc độ khó chịu khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có xu hướng tiếp tục tăng lãi suất trong tháng này.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Dữ liệu lạm phát

Dữ liệu lạm phát tháng 6 của Mỹ được công bố vào thứ Tư (12/7) dự kiến sẽ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng với tốc độ hàng năm là 3,1%, đây sẽ là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 3/2021.

CPI cơ bản (loại bỏ giá lương thực và nhiên liệu) dự kiến sẽ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức 5,3% trong tháng 5 nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của Fed.

Dữ liệu việc làm tháng 6 được công bố vào cuối tuần trước cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm việc làm ít nhất trong 2,5 năm, nhưng mức tăng lương mạnh mẽ liên tục cho thấy các điều kiện thị trường lao động vẫn bị thắt chặt.

Fed cũng sẽ xuất bản báo cáo Beige Book vào thứ Tư (12/7). Báo cáo sẽ tóm tắt về tình hình kinh tế hiện tại cũng như cung cấp những đánh giá định tính về tình hình kinh tế của Fed trong thời gian tới.

Các quan chức Fed sẽ phát biểu trong tuần tới bao gồm Neel Kashkari, Christopher Waller, Loretta Mester và Mary Daly. Các nhà đầu tư sẽ phân tích các bình luận của các nhà hoạch định chính sách để tìm manh mối về mong muốn tiếp tục tăng lãi suất.

“Các diễn giả của Fed đã thông báo ý định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7, vì vậy cần tập trung chú ý vào cách cân bằng rủi ro đang phát triển và điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với Fed trong tương lai”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý II

Các ngân hàng lớn sẽ bắt đầu báo cáo KQKD quý II vào thứ Sáu (14/7) sau khi vượt qua các bài kiểm tra căng thẳng của Fed vào cuối tháng trước, mở đường cho các ngân hàng mua lại cổ phiếu và chia cổ tức.

Bài kiểm tra sức khỏe hàng năm của Fed chỉ ra rằng những ngân hàng lớn có đủ vốn để vượt qua suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Sau cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng vào đầu năm nay, các nhà phân tích cũng sẽ tập trung vào những gì các ngân hàng nói về triển vọng cho vay và số tiền đã trích lập dự phòng rủi ro để bù đắp tổn thất do các khoản cho vay quá hạn.

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu lạm phát và thương mại trong tuần này, điều này có khả năng nhấn mạnh rằng sự phục hồi hậu Covid của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại trong bối cảnh áp lực giảm phát gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và nhu cầu nước ngoài mờ nhạt.

Dữ liệu lạm phát của tháng 6 được công bố vào thứ Hai (10/7) dự kiến sẽ cho thấy lạm phát hàng năm giữ ổn định ở mức 0,2% trong khi số liệu thương mại tháng 6 dự kiến sẽ cho thấy xuất khẩu giảm trở lại.

Mỹ và Trung cũng đang bước vào cuộc chiến thương mại công nghệ cao.Sau nhiều tháng siết chặt các hạn chế của MỸ và các đồng minh chủ chốt đối với hàng nhập khẩu liên quan đến chip, Trung Quốc đã đáp trả bằng việc hạn chế xuất khẩu kim loại sản xuất chip. Trong khi đó, Mỹ đã cân nhắc việc hạn chế quyền truy cập của các công ty Trung Quốc vào các dịch vụ điện toán đám mây.

Quyết định của ngân hàng trung ương

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách mới nhất vào thứ Tư (12/7) với các nhà phân tích kỳ vọng một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản khác sau khi báo cáo việc làm tốt hơn nhiều so với dự kiến và cho thấy nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi.

BoC đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm là 4,75% vào tháng trước trong bối cảnh lo ngại về lạm phát dai dẳng sau khi giữ nguyên lãi suất kể từ lần tăng cuối cùng vào tháng 1.

Nền kinh tế Canada hiện vẫn mạnh mẽ mặc dù đã trải qua 9 lần tăng lãi suất với tổng cộng 450 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022.

Ngân hàng Trung ương New Zealand được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách trong tuần này.

Giá dầu

Giá dầu đã đóng cửa ở mức cao nhất trong 9 tuần vào thứ Sáu (7/6). Trong đó, cả giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 5% trong tuần qua.

Giá dầu tăng trở lại do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung và lo ngại rằng việc tăng lãi suất hơn nữa có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu đối với dầu.

Các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu là Ả Rập Xê Út và Nga đã công bố cắt giảm sản lượng mới vào tuần trước, nâng tổng mức cắt giảm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) lên khoảng 5 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% nhu cầu dầu toàn cầu.

Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi đồng đô la yếu hơn sau khi chạm mức thấp nhất trong hai tuần do báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ đã củng cố kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed.

Đồng đô la yếu hơn khiến dầu thô rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.

Tin bài liên quan