Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu lạm phát của Mỹ và mùa báo cáo lợi nhuận bắt đầu sẽ là những điểm nổi bật chính của tuần này. Dữ liệu lạm phát cho tháng 12 sẽ có tác động đến quy mô của đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin chi tiết quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế trong bối cảnh lo ngại về khả năng suy thoái.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

CPI của Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm (12/1). Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy áp lực giá đang tiếp tục giảm bớt không chỉ củng cố quan điểm rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ mà còn có thể thúc đẩy suy đoán rằng việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra vào cuối năm nay.

Dữ liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 12 được công bố trong tuần qua cho thấy mức tăng nhiều hơn dự kiến ngay cả khi tốc độ tăng lương chậm lại và hoạt động dịch vụ bị thu hẹp, làm giảm bớt lo lắng về ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của Fed.

Các quan chức Fed đã thừa nhận tăng trưởng tiền lương đang hạ nhiệt và các dấu hiệu khác của nền kinh tế đang dần chậm lại. Chủ tịch Atlanta Raphael Bostic đã gợi ý về khả năng tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed vào ngày 31/1 và 1/2. Fed đã tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 12.

Mùa báo cáo KQKD đang diễn ra

Các doanh nghiệp Mỹ sẽ bắt đầu báo cáo KQKD quý IV trong tuần này, khi đó các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các dấu hiệu về khả năng suy thoái kinh tế diễn ra như thế nào.

Theo ước tính đồng thuận của các nhà phân tích, EPS của chỉ số S&P 500 trong quý IV sẽ giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số phân tích cho rằng các dự đoán về năm 2023 vẫn còn quá lạc quan và chưa phản ánh rủi ro suy thoái.

Giá cổ phiếu có thể đắt hơn so với thị giá của chúng nếu ước tính EPS hiện tại không tính đến bất kỳ sự suy giảm kinh tế nào, trong khi bất kỳ sự suy thoái nào cũng có thể làm giảm thêm những gì các nhà đầu tư sẵn sàng trả cho cổ phiếu.

GDP của Anh

Anh sẽ công bố số liệu GDP tháng 11 vào thứ Sáu (13/1) trong bối cảnh chi phí sinh hoạt bị siết chặt khi lạm phát ở mức hai con số, các cuộc đình công trong lĩnh vực giao thông và khu vực công cũng như thị trường nhà ở đang suy yếu khi quốc gia này phải đối mặt với những gì có thể khiến suy thoái kinh tế kéo dài.

Sau 9 lần tăng lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới, dữ liệu gần đây cho thấy các khoản phê duyệt cho vay thế chấp của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 11 kể từ đợt sụt giảm do đại dịch gây ra vào tháng 6/2020.

Khi áp lực giá cả và chi phí đi vay cao hơn, Thủ tướng Rishi Sunak đã cam kết giảm một nửa lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nợ công.

Nhưng các nhà phân tích tại Deutsche Bank nhận thấy lạm phát cao vẫn tiếp diễn trong năm nay, lãi suất sẽ không bị cắt giảm cho đến năm 2024 và các chính sách tài khóa trở nên thắt chặt hơn, trong khi các nhà phân tích tại Barclays dự đoán nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục suy giảm cho đến cuối quý III/2023.

Dữ liệu khu vực đồng euro

Đức sẽ công bố ước tính tăng trưởng GDP năm 2022 vào thứ Sáu (13/1), điều này sẽ cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra đối với nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Cùng ngày, khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ công bố dữ liệu về sản xuất công nghiệp và thương mại. Chi phí nhập khẩu năng lượng cao đã khiến cán cân thương mại của khối chuyển từ thặng dư sang thâm hụt, nhưng thâm hụt đã giảm trong tháng 10 khi giá xăng giảm và những người theo dõi thị trường sẽ xem liệu xu hướng này có tiếp tục trong tháng 11 hay không.

Sản xuất công nghiệp được dự báo sẽ phục hồi nhẹ sau khi sụt giảm trong tháng 10.

Dữ liệu lạm phát của Nhật Bản

Những người quan sát thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ các con số lạm phát của Nhật Bản được công bố vào thứ Ba (10/1), sau khi báo cáo tháng trước lần đầu tiên đưa thị trường về khả năng thay đổi chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

CPI của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào tháng 11. Chưa đầy một tháng sau, BOJ đã điều chỉnh việc kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu và cho phép lãi suất dài hạn tăng nhiều hơn. Động thái này nhằm mục đích giảm bớt một số chi phí kích thích tiền tệ kéo dài.

Đồng yên đã mạnh lên mức cao nhất trong bảy tháng do kỳ vọng gia tăng về một sự thay đổi chính sách diều hâu hơn nữa, ngay cả khi các quan chức BOJ khẳng định động thái này chỉ diễn ra một lần. BOJ sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 18/1.

Tin bài liên quan