Phiên điều trần của chủ tịch Fed Jerome Powell
Ông Powell sẽ ra điều trần trước Quốc hội vào thứ Tư (22/6) và thứ Năm (23/6) và dự kiến sẽ nhắc lại cam kết của Fed trong việc kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm.
Fed trong tuần qua đã cam kết chống lạm phát là "vô điều kiện". Lạm phát hàng năm của Mỹ trong tháng 5 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1981.
Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tuần qua và đánh dấu tốc độ tăng lãi suất trong tương lai sẽ nhanh hơn. Ông Powell cho biết Fed không thể kiểm soát tất cả các yếu tố góp phần làm lạm phát cao hơn, như căng thẳng ở Ukraine đã đẩy giá năng lượng lên cao.
Giới đầu tư và phân tích đang lo ngại rằng lộ trình tăng lãi suất nhanh chóng của Fed có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái và với dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và chứng khoán Mỹ hiện đang bước vào thị trường giá xuống. Do đó ông Powell có thể bị thúc ép để biết thêm chi tiết về cách Fed có thể kiềm chế lạm phát mà không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế và thị trường.
Phiên điều trần của chủ tịch ECB Christine Lagarde
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde sẽ ra điều trần trước Nghị viện châu Âu tại Brussels vào thứ Hai (20/6) và có khả năng sẽ trao đổi về tiến độ của công cụ chống khủng hoảng mới của ngân hàng trung ương.
ECB đang đề ra một kế hoạch mua tài sản khác nhằm chống lại tình trạng "phân mảnh" vì khoảng cách giữa chi phí đi vay mà Đức phải trả và các quốc gia mắc nợ nhiều hơn ở ngoại vi khu vực EU như Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp ngày càng gia tăng.
Chi phí đi vay của các chính phủ đã tăng vọt ở khu vực ngoại vi EU kể từ khi ECB công bố kế hoạch tăng lãi suất vào đầu tháng này để giải quyết lạm phát, hiện đang cao hơn bốn lần so với mục tiêu 2% của ECB.
Với việc các thị trường hiện đang định giá ECB sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 7 và ít nhất một đợt tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 9, một số nhà phân tích cho rằng công cụ mới có thể cho phép ngân hàng trung ương thực hiện các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nếu cần.
Thị trường chứng khoán biến động
Ba chỉ số chính của Phố Wall đều giảm tuần thứ ba liên tiếp do lo ngại về khả năng suy thoái ngày càng gia tăng khi Fed và các ngân hàng trung ương toàn cầu khác cố gắng dập tắt lạm phát.
Chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 23% trong năm nay và gần đây đã chính thức bước vào thị trường giá xuống, chỉ số Dow Jones cũng đang có xu hướng tương tự.
"Ngay bây giờ, thị trường sẽ có rất nhiều biến động và nó chủ yếu là do Fed sẽ thúc đẩy tất cả các đợt tăng lãi suất và cố gắng đánh giá bức tranh lạm phát mặc dù đang mờ mịt. Sự biến động mạnh sẽ diễn ra cho tới khi chúng ta biết thực sự đạt đến mức lạm phát đỉnh điểm hay không", Megan Horneman, giám đốc chiến lược danh mục đầu tư tại Verdence Capital Advisors cho biết.
Chúng khoán Mỹ sẽ đóng cửa ngày thứ Hai (20/6) do là ngày lễ Juneteenth, ngày kỷ niệm sự kiện chấm dứt chế độ nô lệ tại Mỹ.
Mùa đông tiền điện tử
Bitcoin đã được giao dịch ở mức khoảng 19.571 USD vào Chủ nhật (19/6) sau khi giảm xuống mức thấp nhất là 17.593 USD vào thứ Bảy (18/6) - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Bitcoin đã mất khoảng 60% giá trị trong năm nay, trong khi Ethereum giảm 74%. Vào năm 2021, Bitcoin đạt đỉnh hơn 68.000 USD.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: “Việc Bitcoin phá vỡ mốc 20.000 USD cho thấy rằng niềm tin đã sụp đổ đối với ngành công nghiệp tiền điện tử và chúng ta đang chứng kiến những căng thẳng mới nhất. Ngay cả những người cổ vũ tiền điện tử nhất từ các xu hướng tăng mạnh trước đó đều đang im lặng. Họ vẫn lạc quan về lâu dài nhưng họ không nói rằng đây là thời điểm để mua vào”.
Thị trường tiền điện tử đã bị ảnh hưởng bởi các dấu hiệu căng thẳng ngày càng tăng trong ngành sau sự sụp đổ của blockchain Terra vào tháng trước. Đầu tháng này, công ty cho vay Celsius đã đóng băng việc rút tiền và chuyển tiền giữa các tài khoản, trong khi các công ty tiền điện tử bắt đầu sa thải nhân viên. Tuần trước, quỹ đầu cơ tiền điện tử Three Arrows Capital cho biết họ đã bị thua lỗ lớn.
Lộ trình này trùng hợp với đợt bán tháo cổ phiếu có thể thách thức thêm niềm tin của nhà đầu tư vào ngành công nghiệp tiền điện tử.