Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Covid-19 quay trở lại thành vấn đề lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư trong bối cảnh lo ngại rằng biến thể Omicron mới có thể ngăn cản sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch kéo dài gần hai năm. Giá dầu và cũng sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này khi OPEC+ họp vào ngày 2/12.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Làn sóng đại dịch mới?

Sau thông tin liên quan tới biến thể Covid-19 mới, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã sụt giảm mạnh vào phiên giao dịch ngày 26/11 với các cổ phiếu liên quan tới lĩnh vực năng lượng, tài chính và du lịch đều bị bán tháo.

Mặc dù vẫn còn rất ít thông tin về biến thể mới được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, nhưng các nhà khoa học cho biết, biến thể này có một số lượng lớn đột biến có thể khiến nó kháng vắc xin và dễ dàng truyền nhiễm hơn so với biến thể Delta.

David Kotok, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của Cumberland Advisors cho biết: "Các thị trường đang ăn mừng sự kết thúc của đại dịch nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Tất cả các vấn đề về chính sách tiền tệ, chu kỳ kinh doanh, ước tính tăng trưởng GDP, phục hồi hoạt động giải trí và khách sạn vẫn đang có thể bị trì hoãn”.

Trước đó, các nhà đầu tư trên toàn cầu đều lạc quan về sức mạnh của sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh sẵn có vắc xin được bao phủ với những tiến bộ trong phương pháp điều trị bất kể lo ngại về lạm phát không ngừng gia tăng.

Báo cáo việc làm của Mỹ

Một báo cáo việc làm tháng 11 mạnh mẽ có thể nhấn mạnh trường hợp Fed có thể tăng tốc rút lại chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng tại cuộc họp tiếp theo vào giữa tháng 12. Tuy nhiên, mối lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới có thể khiến những kế hoạch đó không thực hiện được.

Những lo ngại về lạm phát gia tăng cùng với những dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế đang tăng tốc đã khiến các nhà đầu tư bắt đầu dự báo theo hướng Fed sẽ thực hiện rút lại chương trình mua tài sản nhanh hơn và tăng lãi suất sớm hơn.

Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 11 của Mỹ dự kiến ​​sẽ cho thấy nền kinh tế có thêm 550.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống 4,5%.

Phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen

Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần về chương trình kích thích thời đại đại dịch của Fed trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ở Washington vào thứ Ba (30/11). Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng sẽ có phiên điều trần được tổ chức trước Ủy ban Tài chính Hạ viện vào thứ Tư (1/12).

Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những dự báo mới về triển vọng phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch khi biến thể mới xuất hiện.

Triển vọng nhu cầu dầu mỏ

Sau thông tin về biến thể Omicron mới khiến các quốc gia vội vàng đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại và làm tăng thêm lo ngại rằng nguồn cung có thể tăng cao trong quý I/2022, giá dầu WTI giảm hơn 10 USD/ thùng vào ngày 26/11, đây cũng là mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 4/2020.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh của tổ chức này (OPEC+) sẽ họp vào thứ Năm (2/12) sau quyết định vào tuần trước của Mỹ và các chính phủ khác về việc giải phóng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược nhằm hạ giá xăng dầu.

OPEC+ vẫn đang duy trì với mức tăng sản lượng hàng tháng lên 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 8 bất chấp những lời kêu gọi tăng sản lượng để hạ giá dầu.

Nhà phân tích Tamas Varga của PVM nói với Reuters: “Đánh giá ban đầu của OPEC về việc phát hành kho dự trữ chiến lược phối hợp và sự xuất hiện đột ngột của một biến thể mới của Covid-19 đang làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế và cân bằng dầu mỏ trong những tháng tới”.

Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC cho biết, có khả năng OPEC có thể quyết định tạm dừng việc tăng sản lượng của mình do liên quan tới Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) được phát hành.

“Tôi cho rằng khi chúng ta bước vào cuộc họp OPEC vào thứ Năm (2/12), câu hỏi không chỉ là họ có tạm dừng mà còn có khả năng họ thực sự rút lại việc tăng sản lượng vì lo ngại về biến thể mới này cùng với việc phát hành SPR rất lớn”, bà cho biết.

“Chúng ta sẽ có rất nhiều thùng dầu đổ vào thị trường này bên cạnh những lo ngại về các biện pháp hạn chế mới do Covid-19. Còn quá sớm để nói liệu các chính phủ có kích hoạt các biện pháp như vậy hay không nhưng thị trường sẽ lo ngại về điều này”, bà cho biết thêm.

Lạm phát khu vực EU

Khu vực EU sẽ công bố dữ liệu lạm phát tháng 11 vào thứ Ba (30/11). Chỉ số giá tiêu dùng khu vực EU vào tháng 10 đã đạt mức cao nhất trong 13 năm là 4,1% và dự kiến ​​sẽ duy trì cao hơn mục tiêu 2% của ECB trong năm tới.

Với lạm phát gia tăng, ECB đang phải đối mặt với những lời kêu gọi nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng với việc châu Âu đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới khiến việc chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng trở nên khó khăn hơn.

ECB dự kiến ​​sẽ nâng dự báo lạm phát năm 2022 tại cuộc họp tháng 12 sắp tới. Các nhà đầu tư cũng mong đợi ECB sẽ thông báo rằng chương trình mua tài sản trong thời đại đại dịch sẽ kết thúc vào tháng 3, đồng thời đẩy mạnh chương trình mua trái phiếu lâu dài hơn để bù đắp việc cắt giảm kích thích.

Tin bài liên quan