Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ là sự kiện nổi bật trong tuần này và mặc dù không có thay đổi nào được mong đợi, các quan chức có khả năng ám chỉ rằng họ đang tiến gần hơn đến việc thu hẹp các biện pháp kích thích.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang

Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày bắt đầu từ thứ Ba (21/9) và sẽ đưa ra tuyên bố chính sách cũng như các dự báo kinh tế được cập nhật. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch của Fed về kế hoạch bắt đầu cắt giảm chương trình kích thích khẩn cấp 120 tỷ USD mỗi tháng.

Kế hoạch về việc giảm dần chương trình mua tài sản của Fed để giảm bớt các gói kích thích kinh tế là rất quan trọng vì đó là bước đầu tiên hướng tới việc tăng lãi suất.

Một số quan chức Fed đã nói rằng việc cắt giảm chương trình mua tài sản sẽ bắt đầu trong năm nay trong khi nhấn mạnh việc tăng lãi suất vẫn chưa được thực hiện.

Fed có thể sẽ có cách tiếp cận thận trọng do sự không chắc chắn về kinh tế khi các trường hợp nhiễm Covid-19 vẫn đang gia tăng và cuộc họp của Fed có thể không diễn ra sôi nổi như các nhà đầu tư từng mong đợi.

Việc Fed dần thu hẹp và rút lại chương trình mua trái phiếu đã được một số chiến lược gia cho rằng sẽ gây ra sự hỗn loạn cho thị trường chứng khoán. Nhưng Fed có khả năng sẽ chỉ thảo luận về việc cắt giảm trong cuộc họp sắp tới và điều dễ xảy ra nhất trong cuộc họp này là tín hiệu cho thấy Fed có thể làm chậm việc mua trái phiếu vào cuối năm nay.

Dữ liệu kinh tế

Lịch dữ liệu kinh tế trong tuần này của Mỹ sẽ tập trung vào các số liệu về nhà ở với kỳ vọng dữ liệu sẽ ổn định. Các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét báo cáo về số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu được công bố hôm thứ Năm (23/9) trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng của biến thể delt đối với sự phục hồi kinh tế trong quý III, đặc biệt là ở những người do dự trong việc tiêm vắc xin.

Thị trường chứng khoán

Thông báo chính sách của Fed được công bố hôm thứ Tư (22/9) sẽ là động lực định hướng chính cho thị trường chứng khoán trong tuần này.

Bên cạnh những lo ngại về viễn cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt hơn do Fed dần rút lại các biện pháp kích thích, thị trường chứng khoán cũng đang lo ngại về việc biến thể delta có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới bên cạnh thuế suất thu nhập doanh nghiệp có khả năng sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang tiếp tục theo dõi các ước tính lợi nhuận trước mùa báo cáo quý III bắt đầu vào giữa tháng 10. Ngoài ra, mối lo ngại là rủi ro chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến doanh thu và có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, tháng 9 thường là thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ có chiều hướng suy yếu dựa trên các dữ liệu lịch sử. Chỉ số S&P 500 hiện đã giảm gần 2% trong tháng 9.

Các cuộc họp của ngân hàng trung ương

Bên cạnh Fed, một số ngân hàng trung ương lớn khác cũng đang tổ chức các cuộc họp trong những ngày tới.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng họp vào thứ Ba (21/9) và thứ Tư (22/9) và được kỳ vọng là sẽ giữ ổn định chính sách nhưng có thể cảnh báo về rủi ro ngày càng tăng đối với xuất khẩu do gián đoạn nguồn cung.

Vào thứ Năm (23/9), ngân hàng trung ương của Na Uy có khả năng sẽ nâng lãi suất từ 0 lên 0,25%. Nếu điều đó xảy ra, Na Uy sẽ là quốc gia phát triển đầu tiên trên thế giới thực hiện tăng lãi suất kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Mặt khác, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhiều khả năng sẽ thay đổi chính sách tại cuộc họp thứ Năm (23/9) nhưng có thể cho biết quan điểm về lạm phát có phải là tạm thời hay không.

Khủng hoảng của Tập đoàn Evergrande

Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande đang đau đầu với khoản nợ khổng lồ và đang có khoản thanh toán lợi tức trái phiếu là 83,5 triệu USD đến hạn vào thứ Năm (23/9), các nhà đầu tư đang đánh giá Evergrande có khả năng vỡ nợ cao.

Evergrande cho biết, họ đã "không có tiến triển quan trọng" về kế hoạch bán cổ phần các công ty dịch vụ bất động sản và ô tô điện của mình, đồng thời cho biết thêm rằng việc thanh lý trụ sở tại Hồng Kông theo kế hoạch đã không được hoàn thành như dự kiến. Bán tài sản là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong kế hoạch thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tiền mặt của Evergrande.

Những lo ngại rằng Evergrande có thể vỡ nợ đang tràn sang các thị trường tài chính của Trung Quốc và thậm chí có nguy cơ lây lan sang các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Tin bài liên quan