Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo việc làm của Mỹ sẽ là sự kiện kinh tế chính trong tuần tới, các nhà đầu tư đang hy vọng vào những dấu hiệu cải thiện trên thị trường lao động sau hai tháng tăng trưởng việc làm chậm hơn dự kiến.

Dữ liệu kinh tế

Báo cáo số lượng việc làm phi nông nghiệp tháng 6 sẽ được công bố vào thứ Sáu (2/7) dự kiến ​​cho thấy nền kinh tế có thêm 580.000 việc làm mới, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,8% xuống 5,7%.

Với lo ngại về lạm phát gia tăng và sức mạnh của kinh tế phục hồi, nhà đầu tư cũng sẽ xem xét các số liệu thống kê khác về thị trường lao động, bao gồm tăng trưởng tiền lương và sự tham gia của lực lượng lao động.

Báo cáo này là một thông tin quan trọng về thị trường lao động và số liệu này cũng đang được xem như một thước đo về mức độ lạm phát hiện tại. Tiền lương tăng là một điều cần lưu ý nhưng cũng có thể do sự khan hiếm nhân lực vì điều đó có thể làm cho hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn.

Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã nhắc lại cam kết của Fed trong việc khuyến khích sự phục hồi "rộng rãi và bao trùm" trên thị trường lao động, đồng thời ông cho biết rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước và kinh tế vẫn cần sự hỗ trợ.

Ngoài ra, tuần sau cũng có bài phát biểu của một số quan chức Fed, bao gồm Chủ tịch Fed New York John Williams, Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin và Phó Chủ tịch Fed Randal Quarles.

Thị trường chứng khoán gần bước qua hết nửa đầu năm

Chứng khoán toàn cầu đang trên đà ghi nhận mức tăng trong nửa năm mạnh thứ hai kể từ đầu thế kỷ này, nhưng diễn biến trong nửa cuối năm có vẻ khó dự đoán hơn.

“Thị trường có thể đã tránh được một vài nỗi sợ hãi nhưng khi chúng ta nhìn vào nửa cuối năm, vẫn có thể có một số rủi ro phía trước hơn so với vài tháng trước”, James Ragan, giám đốc nghiên cứu quản lý tài sản của D.A. Davidson nói với Reuters.

Thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường Mỹ, nhưng các mối quan tâm khác vẫn còn.

Sự lây lan nhanh chóng của các biến thể virus Covid-19 đang trì hoãn sự trở lại bình thường của các nền kinh tế, trong khi sự phục hồi ở Trung Quốc vốn đóng vai trò là một động lực của nền kinh tế toàn cầu dường như đang chậm lại. Các căng thẳng trong chuỗi cung ứng đang làm gia tăng lạm phát, khiến các nền kinh tế lớn khó có thể có lý do hợp lý để tiếp tục đưa ra các biện pháp kích thích, trong khi một số ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi đã tăng lãi suất như một biện pháp chống lại sự gia tăng của lạm phát.

Cuộc họp của OPEC+

OPEC+ sẽ tổ chức một loạt cuộc họp trong tuần tới để xem xét tình hình thị trường dầu mỏ toàn cầu trước cuộc họp chính thức vào thứ Năm (1/7).

Cuộc họp hôm thứ Năm (1/7) dự kiến ​​sẽ dẫn đến một sự thúc đẩy khác về sản lượng khi triển vọng nhu cầu dầu tiếp tục phục hồi.

Trong khi đó, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 vào thứ Sáu (25/6).

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: “Giá dầu thô tăng do triển vọng nhu cầu được cải thiện và do kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục thắt chặt vì OPEC+ có khả năng chỉ tạo ra một sự thúc đẩy nhỏ đối với sản lượng tại cuộc họp của các bộ trưởng ngày 1/7”.

Lạm phát khu vực EU

Khu vực EU sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 6 vào thứ Tư (30/6) khi cuộc tranh luận xung quanh áp lực tăng giá tiếp tục.

Lạm phát khu vực EU đã tăng cao hơn mục tiêu 2% của ECB vào tháng 5, nhưng nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB đã bác bỏ áp lực lạm phát và cho rằng đó chỉ là tạm thời vì tăng trưởng tiền lương yếu.

Nhưng các thành viên khác trong hội đồng quản trị của ECB đã bắt đầu công khai xem xét khả năng giá tăng đột biến gần đây do tắc nghẽn nguồn cung có thể chuyển thành một xu hướng tăng giá dài hạn. Cuộc tranh luận về lạm phát vẫn tiếp tục diễn ra ở EU.

Tin bài liên quan