Bà Winni Wong, Giám đốc Quốc gia Mastercard tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á khởi động lại một cách thành công và bắt đầu giai đoạn phục hồi kinh tế.
Để thúc đẩy quá trình phục hồi này, rất cần các công ty toàn cầu như Mastercard tận dụng kiến thức, công nghệ và chuyên môn của họ bằng cách hợp tác chặt chẽ với khu vực công để tạo ra các sáng kiến đưa mọi thành phần vào nền kinh tế kỹ thuật số và tạo ra các doanh nghiệp bền vững, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 97,5% tổng số doanh nghiệp địa phương.
Tại Việt Nam, Mastercard đang hợp tác với CARE Quốc tế hỗ trợ các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính điều chỉnh các dịch vụ và sản phẩm tài chính để đưa phụ nữ vào hệ thống tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, với mục tiêu tiếp cận hơn 1 triệu phụ nữ tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu tiếp cận 1 tỷ người thông qua tài chính toàn diện đòi hỏi nhiều nỗ lực, bao gồm các giải pháp giải ngân của chính phủ, số hóa lương khu vực tư nhân, hợp tác với các nhà khai thác mạng di động, giải pháp cho nhân công thời vụ, nỗ lực nhân rộng với các công ty công nghệ tài chính, nền tảng kỹ thuật số, ví điện tử và ứng dụng di động, giải pháp giải quyết nhu cầu của những người dễ bị tổn thương về tài chính.
Chẳng hạn, Mastercard Farmers Network là một nền tảng kỹ thuật số cho phép nông dân ở Ấn Độ và Đông Phi mua, bán và nhận thanh toán hàng nông sản qua điện thoại mà không phải đi bộ hàng giờ để đến chợ. Cho đến nay, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mastercard đã cung cấp công cụ và nguồn lực cho hơn 2,2 triệu phụ nữ để mở rộng kinh doanh.