Phát biểu tại một Hội thảo tại London về “chủ nghĩa tư bản bao quát”, bà Lagarde nói rằng, tiến trình xây dựng một hệ thống tài chính an toàn hơn đang “quá chậm”, những cố gắng khôi phục kinh tế đã ngăn chặn việc đưa ra các quy định mới cứng rắn hơn.
Bà Lagarde cũng nhấn mạnh về những sai phạm tiếp tục xảy ra trong các dịch vụ tài chính và nói rằng, lĩnh vực này “không có thay đổi gì trên một số phương diện so với thời khủng hoảng”. Tổng giám đốc IMF nêu ra một loạt vụ bê bối, bao gồm hoạt động rửa tiền và thao túng lãi suất cơ bản, như lãi suất Libor.
“Một số doanh nghiệp cá biệt thậm chí đã ngập sâu vào bê bối với việc vi phạm cả những nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp cơ bản nhất”, bà Lagarde gay gắt. “Dù một vài thay đổi trong cung cách hành xử đang được thực hiện, nhưng chưa đủ sâu rộng. Lĩnh vực tài chính vẫn chạy theo lợi ích trước mắt mà bỏ qua sự ổn định lâu dài, quý trọng phần thưởng hôm nay mà bất chấp quan hệ ngày mai”.
Các ý kiến của vị lãnh đạo IMF nhận được sự hưởng ứng từ ông Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Ông Carney cũng cảnh báo rằng, “niềm tin bị buông lỏng ở các thị trường tài chính” trước khủng hoảng, sự bất bình đẳng đang gia tăng và “những biểu hiện tham nhũng” gần đây đã và đang làm hư hại “kết cấu xã hội”.
“Khi kết hợp với những áp lực dài hạn của quá trình toàn cầu hóa và thay đổi của khế ước xã hội cơ bản, tình trạng đối kháng giữa sự suy giảm niềm tin trong hệ thống tài chính và sự gia tăng tính độc tôn của chủ nghĩa tư bản là có thể xảy ra”, Carney, diễn giả cùng Hội nghị với bà Lagarde, nói.
Các cảnh báo của bà Lagarde và ông Carney được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách đang vất vả tìm cách cải tạo hệ thống tài chính sau cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 và để ngăn chặn hàng loạt vụ bê bối đang làm tổn hại danh tiếng của ngành công nghiệp này.
Ông Carney, nói các vụ bê bối đã chứng minh “tình trạng bất ổn trong nhiều góc khuất của hệ thống tài chính, đòi hỏi phải được giải quyết ”, đồng thời gợi ý biện pháp tăng cường các nguyên tắc của các thị trường thông thường, các quy chuẩn đạo đức của những thị trường đặc biệt, và “thậm chí các nghĩa vụ pháp lý bên trong khuôn khổ đó”.
Cả ông Carney và bà Lagarde cũng nói rằng, họ cần gấp rút giải quyết một vấn đề của các ngân hàng, đó là chúng được coi là “quá lớn để phá sản”. “Năm nay là năm phải hoàn thành công việc đó”, ông Carney nói.
Theo bà Lagarde, việc thiếu các công cụ để xử lý các ngân hàng lớn, những ngân hàng xuyên quốc gia, là một “lỗ hổng lớn” trong cấu trúc tài chính, đòi hỏi các nước phải đặt lợi ích toàn cầu của việc ổn định tài chính lên trên các vấn đề của riêng mỗi nước”.
Ông Carney nhấn mạnh, một khối lượng lớn các công việc mà các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương đã sẵn sàng làm để cố gắng cải tạo hệ thống tài chính, làm cho nó trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng: “Dù sao thì sự liêm chính cũng không thể mua bán hay áp đặt được. Ngay cả với khuôn khổ tốt nhất của các nguyên tắc công việc, quy tắc đạo đức, bồi thường và kỷ luật thị trường, thì những người làm tài chính vẫn phải liên tục răn bảo chính mình về những tiêu chuẩn mà họ ủng hộ”.
“Quan trọng là biết thừa nhận về những cải thiện cơ bản chưa đạt được, với cả chính phủ và ngành tài chính”, Rob Nichols, Chủ tịch Diễn đàn Dịch vụ Tài chính, hiệp hội của các ngân hàng lớn nhất, nói. “Các ngân hàng lớn cần tiếp tục cải thiện về vốn, thanh khoản, hoạt động và quản trị rủi ro, đồng thời phối hợp với các cơ quan quản lý để đảm bảo rằng, hệ thống là khỏe mạnh hơn, minh bạch hơn và có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.