Nhiều hạng mục công trình của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nâng cấp trong năm nay.

Nhiều hạng mục công trình của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nâng cấp trong năm nay.

Các sân bay Việt cần hơn 17.000 tỷ đồng nâng cấp trong 5 năm tới

Với mức đầu tư lớn, ngân sách đang gặp khó nên Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa khu bay.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng về thực trạng hoạt động và các phương án quản lý, khai thác tài sản khu bay cho biết, giai đoạn 2012-2016, tổng doanh thu hoạt động cất hạ cánh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là 5.978 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư cho giai đoạn này là hơn 7.500 tỷ đồng.  

Theo Bộ, doanh thu nói trên mới bù đắp chi phí hoạt động, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và một phần nhỏ chi phí đầu tư, nâng cấp. Về chi phí đầu tư trong 5 năm qua, ACV sử dụng khoảng 23% vốn của Nhà nước và 77% là của doanh nghiệp. 

Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, tổng công ty đã xây dựng kế hoạch doanh thu từ năm 2017 đến năm 2021 với mức dao động từ 1.819-2.556 tỷ đồng.

Trong khi, tổng mức đầu tư khoảng 17.150 tỷ đồng, riêng nhu cầu vốn đầu tư sửa chữa dự kiến giải ngân là 11.075 tỷ đồng. Như vậy, nguồn thu từ hoạt động khu bay mới chỉ đáp ứng được chi phí hoạt động, sửa chữa thường xuyên và một phần nhỏ để đầu tư.

Cơ quan này cũng cho rằng, với chi phí đầu tư, nâng cấp cho khu bay thời gian tới rất lớn, trong khi ngân sách có hạn nên việc lựa chọn cơ chế, phương án quản lý, khai thác tài sản khu bay phải tính toán thận trọng và mang tính dài hạn.

Trong khi đó, theo Bộ, nhu cầu vốn đầu tư cho các tài sản khu bay rất cấp bách, nhất là khi các hãng tăng tần suất khai thác cũng như tăng dần các tàu bay có trọng tải lớn.

Ngoài ra, cơ quan này cho rằng, phương án khai thác tài sản khu bay còn phải xem xét nhằm tính đến khả năng tích lũy vốn phục vụ đầu tư của Nhà nước cho khu bay của Càng hàng không quốc tế Long Thành. 

Với những yếu tố đó, Bộ đề xuất 4 phương án vận hành, khai thác khu bay trong thời gian tới. 

Một là, Nhà nước cho ACV thuê tài sản để khai thác, vận hành khu bay. Với phương án này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ là cơ quan thu tiền cho thuê tài sản nhưng ủy quyền cho ACV thực hiện đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị.

Tuy nhiên, Bộ sẽ chịu trách nhiệm cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới các tài sản thuộc khu bay như đường cất cánh, đường lăn, đài dẫn đường, nhà trạm...

ACV khi đó cần thanh toán đầy đủ, đúng kỳ hạn tiền thuê và không được thế chấp, chuyển nhượng tài sản thuê. Thời gian thuê dự kiến là 30 năm. 

Tuy nhiên, với phương án này, Bộ Giao thông Vận tải nhận định đơn vị vận hành không có quyền thay đổi các chính sách liên quan đến quá trình vận hành như cấp mức giá khai thác, điều phối số giờ cất, hạ cánh, điều chỉnh các khoản phí phụ thu kinh doanh hoạt động trong khu bay.

Cùng với đó, Ngân sách Nhà nước sẽ chịu áp lực khi trong giai đoạn 2017-2021 dự kiến sẽ phải chi 17.150 tỷ đồng để đầu tư, sửa chữa hạ tầng.

Trong khi nguồn thu từ hoạt động khu bay mới chỉ đáp ứng được chi phí hoạt động thường xuyên, chưa đủ để tạo nguồn vốn cho đầu tư. 

Ở phương án hai, Bộ đề xuất Nhà nước sẽ tăng vốn điều lệ của ACV thông qua việc góp vốn bằng tài sản khu bay.

Theo đó, cổ phần của doanh nghiệp sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu. Với phương án này, Nhà nước vẫn duy trì quyền kiểm soát tuyệt đối với khu bay thông qua việc sở hữu 95,4% vốn điều lệ của ACV.

Đồng thời, trong bất kỳ tình huống nào thì Nhà nước vẫn có thể trưng dụng tài sản khu bay để phục vụ quốc phòng, an ninh mà không chịu áp lực với chi phí đầu tư lớn. 

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất phương án thứ ba là Nhà nước giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa khu bay thông qua hợp đồng giao quản lý 30 năm.

Với phương án này, Bộ đóng vai trò kiểm tra, giám sát việc quản lý, phê duyệt các kế hoạch mua sắm, đầu tư, trong khi ACV chủ động trong việc lên kế hoạch, triển khai hoạt động kinh doanh như đầu tư, bảo trì, duy tu....

Với phương án này, ACV phải báo cáo về kết quả kinh doanh hàng năm với Bộ. Trong trường hợp tổng chi phí hoạt động thường xuyên của khu bay và đầu tư nhỏ hơn doanh thu khai thác khu bay thì phần chênh lệch ACV phải nộp vào Ngân sách Nhà nước. 

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho rằng, trong trường hợp triển khai phương án ba, Chính phủ, Bộ Tài chính cần chấp thuận cho ACV phân bổ chi phí đầu tư vào kết quả hoạt động kinh doanh của khu  bay và xem xét điều chỉnh giá, phí liên quan để doanh nghiệp đảm bảo nguồn thu, hiệu quả. 

Phương án cuối cùng Bộ đưa ra là thuê ACV quản lý, khai thác tài sản, tạo doanh thu, lợi nhuận cho Nhà nước dưới hình thức hợp tác công, tư trên cơ sở hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

Phương thức tính giá thuê khi đó sẽ theo thông lệ thị trường và quy định pháp luật liên quan. ACV khi đó sẽ được thanh toán chi phí quản lý, khai thác, bảo trì.

Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng, với cách làm này, do doanh thu từ khu bay không đủ để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa nên hằng năm việc nhà nước phải đầu tư 1.300 tỷ đồng sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách.

Cùng với đó, thủ tục thực hiện phương án O&M có thể kéo dài, khó đảm bảo tiến độ nhanh gọn theo yêu cầu của ngành hàng không, đặc biệt khi việc cấp ngân sách đầu tư phải thông qua Quốc hội. 

Đưa ra 4 phương án, song Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị chọn phương án ba, tức là Nhà nước giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa tài sản khu bay bởi có nhiều ưu điểm hơn cả. 

Các phương án nói trên cũng được Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp...

Tuy nhiên, các Bộ đa số quan tâm đến đề xuất Nhà nước cho ACV thuê khai thác kết cấu hạ tầng và tài sản khu bay. 

Tin bài liên quan