Những thay đổi đương nhiên
Từ ngày 1/1/2017, Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực. Nhiều nội dung mới của Bộ luật này khiến ngành ngân hàng cần có một quy định nghiệp vụ mới thay thế cho Quy chế số 1627 trước đây (Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng). Chính vì lý do đó, Thông tư số 39 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đã được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2017.
Đối với hầu hết ngân hàng, trong hợp đồng tín dụng trước đây thường có một cụm từ quen thuộc: “Thời hạn cho vay của khoản vay được ghi cụ thể trên khế ước nhận nợ và được tính từ ngày giải ngân cho bên vay”.
Với quy định này, một trong những vấn đề nghiệp vụ mặc định là thời hạn cho vay sẽ bắt đầu từ chính ngày khoản tiền vốn vay được cấp cho khách hàng. Cũng bởi vậy, nên khi tính lãi, thông thường ngân hàng ghi nhận trong hợp đồng tín dụng nội dung: Lãi được tính trên dư nợ vay từ ngày giải ngân đầu tiên, không tính ngày trả nợ (ngày cuối cùng thời hạn).
Cách tính thời hạn, tính lãi này rất phổ biến trong lĩnh vực ngân hàng và được đưa vào mẫu biểu các hợp đồng tín dụng. Không chỉ vậy, cách tính thời hạn, tính lãi còn được thiết lập mặc định ngay trong hệ thống công nghệ máy tính của ngân hàng, để tự động theo dõi, tính toán các số liệu lãi suất của mọi khoản vay.
Tuy nhiên, từ ngày 15/3/2017, ngành ngân hàng phải chấp hành theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước. Trước hết, có sự thay đổi trong quy định pháp luật về thời hạn cho vay. Khoản 8, Điều 2, Thông tư 39 quy định: “Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo của ngày tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến thời điểm khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng”.
Theo đó, thời hạn cho vay trước đây tính ngay từ ngày giải ngân, nay chỉ được tính từ ngày tiếp theo ngày giải ngân tiền vay. Thời hạn cho vay đã thay đổi, thì cách tính lãi cũng phải thay đổi. Trường hợp thông thường, ngân hàng sẽ chỉ được tính lãi từ ngày tiếp theo ngày giải ngân tiền vay, chứ không thể tính ngay từ ngày giải ngân tiền vay. Vậy là mẫu biểu nghiệp vụ các hợp đồng tín dụng và hệ thống công nghệ của ngân hàng cũng phải ghi nhận nội dung thay đổi. Đó là những thay đổi đương nhiên.
Những thay đổi cần dự liệu
Tuy nhiên, đến nay đã ghi nhận những trường hợp phát sinh yếu tố bất thường trong cách tính lãi của ngân hàng. Giả sử, một khách hàng tín dụng vay vốn, được giải ngân và họ trả nợ ngay trong cùng một ngày, ngân hàng sẽ tính lãi thế nào?
Trước đây, ngân hàng được mặc nhiên tính lãi, vì trong hợp đồng tín dụng đã thỏa thuận cách tính thời hạn, lãi vay từ ngày giải ngân. Nhưng nay, quy định đã thay đổi, mẫu biểu nghiệp vụ hợp đồng đã thay đổi. Thậm chí, nếu hệ thống công nghệ máy tính vẫn chưa được cập nhật nội dung quy định, mẫu biểu hợp đồng, thì cũng cần phải thay đổi. Sự thay đổi không cho phép ngân hàng được mặc nhiên tính lãi của ngày mà việc giải ngân, thu nợ cùng diễn ra.
Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước có nội dung quy định ở đoạn cuối Khoản 8, Điều 2: “Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự về thời điểm bắt đầu thời hạn”.
Bộ luật Dân sự quy định ra sao trong trường hợp này? “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định”.
Đó là nội dung của Khoản 2, Điều 147, Bộ luật Dân sự về thời điểm bắt đầu thời hạn. Như vậy, Bộ luật Dân sự có quy định giống như Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước, nên các ngân hàng không được mặc nhiên tính lãi ngày giải ngân, thu nợ.
Không chỉ trường hợp nêu trên, tôi cũng đã ghi nhận qua phản hồi từ nhiều ngân hàng những trường hợp bất thường khác. Giả sử trường hợp khách hàng tín dụng nhận giải ngân vào 10h sáng ngày hôm trước, trả nợ vào 9h sáng ngày hôm sau.
Pháp luật xác định thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác và có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm.
Phải đủ 24 giờ mới tính là một ngày, đủ số ngày mới tính là một tháng, đủ số tháng mới tính là một năm. Vậy trường hợp trên chưa đủ một ngày, nên mặc dù khách hàng đã sử dụng tiền vay đến ngày thứ hai, ngân hàng cũng chưa được tính lãi.
Điều gì xảy ra nếu đó là ngày cuối cùng trong kỳ hạn tính lãi tháng, hoặc tính lãi năm? Rất có thể, tranh chấp sẽ phát sinh và việc giải quyết tranh chấp sẽ dựa trên pháp luật hoặc thỏa thuận. Thỏa thuận nếu không có, thì các quy định về thời hạn nêu trên sẽ đánh mất đi sự thuận lợi trong cách tính lãi của ngân hàng.
Vậy nên, muốn duy trì được sự thuận lợi trong khâu tính lãi, thu lãi cho vay, ngân hàng cần dự liệu được những trường hợp nêu trên trong hệ thống mẫu biểu và công nghệ của mình.