Không cần 90 ngày
Tuần trước, quỹ mở cổ phiếu Công ty Liên doanh Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) vừa thông báo phát hành chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu VCBF-BCF. Theo đó, thời hạn chào bán được ấn định chỉ trong 43 ngày, thậm chí có thể kết thúc sớm hơn.
Thời hạn này chỉ bằng một nửa thời hạn cho phép 90 ngày của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điều đó đồng nghĩa với việc VCBF gần như đã chắc chắn đạt đủ giá trị bán được tối thiểu (50 tỷ đồng và 100 nhà đầu tư) trước khi chào bán.
Ngay trước đó, Quỹ đầu tư Cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) của Vinawealth đã kết thúc sớm IPO vào ngày 23/5, chỉ 46 ngày sau khi bắt đầu chào bán.
Kết quả chào bán đạt 58 tỷ đồng và trên 200 nhà đầu tư tham gia; trong đó, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, đại diện phát ngôn của VinaWealth cho biết. Kết quả này cao hơn đợt IPO quỹ mở đầu tiên của VinaWealth là VFF cách đây hơn 1 năm, khi đó VFF huy động được khoảng 50 tỷ đồng và 150 nhà đầu tư, dù VinaWealth đã tổ chức quảng bá khá rộng rãi.
MBCapital, đối thủ ra sản phẩm gần như song song với VinaWealth, thậm chí chỉ mất 24 ngày để kết thúc IPO quỹ mở cổ phiếu MBVF của mình vào tháng trước. Quỹ huy động được 54,42 tỷ đồng và tổng số 174 nhà đầu tư tham gia, cao hơn kết quả 50 tỷ đồng và khoảng 150 nhà đầu tư của quỹ mở trái phiếu trước đó.
Cũng chào bán trong năm nay, quỹ mở VCAMBF của VietCapital cũng đã kết thúc chào bán. Tuy nhiên, Quỹ chưa thông báo kết quả chào bán cụ thể trên website và cũng chưa đi vào giao dịch. Đại diện của VietCapital cho biết, VCAMBF sẽ được đưa vào giao dịch sau khi Công ty tổ chức Đại hội nhà đầu tư thường niên, dự kiến diễn ra đầu tháng 6.
Các quỹ mở ngày càng tỏ ra nhanh gọn trong việc chào bán chứng chỉ quỹ, thời hạn IPO ngày càng rút ngắn xuống chỉ còn 1-1,5 tháng so với thời gian 2-3 tháng trước kia. Với việc tìm kiếm các đối tác cam kết góp vốn trước khi chính thức chào bán, các công ty quản lý quỹ hầu như chắc chắn có đủ số vốn huy động được theo yêu cầu (50 tỷ đồng) trước khi thông báo chính thức chào bán ra công chúng.
Trong khi các đối tác sẵn sàng góp vốn cho các quỹ mới, nhà đầu tư đại chúng – đối tượng khách hàng chính của quỹ mở - cũng bắt đầu rục rịch mua loại sản phẩm tài chính này.
Nhà đầu tư rục rịch mua thêm
Trong các quỹ mở hiện tại, VCBF đang tỏ ra là công ty duy nhất thu hút được đều đặn nhà đầu tư trong nước. Số chứng chỉ quỹ đã tăng liên tục được thêm 1,2 triệu chứng chỉ sau 5 tháng đi vào hoạt động kể từ đầu năm 2014. Tổng số chứng chỉ của VCBF-TBF tính đến ngày 23/5 đã đạt 7,2 triệu chứng chỉ.
Ngoài ra, hai công ty khác là MBCapital và Eastspring Investments, mặc dù không tăng được đều đặn số chứng chỉ, nhưng lại huy động được thêm một hai khoản đầu tư lớn của nhà đầu tư nước ngoài. MBBF của MBCapital phát hành được thêm khoảng 2 triệu chứng chỉ cho nhà đầu tư nước ngoài vào giữa tháng 3 vừa rồi. Trong khi đó, ENF của Eastspring Investments cũng phát hành được thêm 2,5 triệu chứng chỉ cho nhà đầu tư nước ngoài vào giữa tháng 4, sau 1 tháng khi Quỹ vừa kết thúc IPO.
Việc mua thêm này không quá gắn với kết quả hoạt động của quỹ. Vì thực tế VCBF-TBF lại là quỹ đang có kết quả hoạt động thấp hơn các quỹ mở khác và thấp hơn so với thị trường: giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ chỉ tăng 0,88% trong gần 5 tháng từ đầu năm tính tới ngày 21/5, trong khi chỉ số VN-Index đã tăng 7,4% trong cùng thời gian và chỉ số Bond Index 2 năm của VFM đã tăng 4,9% trong 4 tháng đầu năm.
Giá trị tài sản ròng của ENF thậm chí đang giảm 4,1% sau 2 tháng đi vào hoạt động, do tác động của đợt sụt giảm bất ngờ của thị trường trong tháng 5 này.
Tuy nhiên, động thái tích cực này của nhà đầu tư vẫn chỉ là rất nhỏ. Đối tượng khách hàng chính của quỹ mở là các nhà đầu tư đại chúng trong nước, trong khi đó vẫn tỏ ra thờ ơ với sản phẩm này.
Quỹ năng động BVFED của Baoviet Fund hầu như vẫn giữ nguyên số lượng 7,2 triệu chứng chỉ quỹ phát hành ban đầu, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động. Quỹ trái phiếu VFMVFB của VFM bị rút ròng gần 2 triệu chứng chỉ sau gần 1 năm hoạt động. Các quỹ mở chuyển từ quỹ đóng của VFM vẫn tiếp tục chịu tình trạng rút ròng.